Đừng làm tổn thương các em và gia đình thêm nhiều lần

H.T-Thứ sáu, ngày 17/03/2017 07:17 GMT+7

VTV.vn - TS. Trần Thị Thanh Thanh cho rằng, việc đưa thông tin quá cụ thể về các em nhỏ bị xâm hại sẽ càng làm tổn thương các em và gia đình.

Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt các vụ xâm hại trẻ em đã được phanh phui, tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Không ít người đã phải bàng hoàng khi chứng kiến mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này tại Việt Nam. Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam – để giúp độc giả hiểu rõ thêm về thực trạng hiện tượng này và nguyên nhân cụ thể.

PV: Thưa bà, thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ở Việt Nam là như thế nào? Có phải vấn nạn này đang gia tăng trong xã hội hay không hay do bây giờ dư luận mới bắt đầu quan tâm hơn sau những vụ gần đây?

TS. Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Thực trạng trẻ em bị xâm hại ở Việt Nam là rất đáng lo ngại. Những số liệu gần đây của các cơ quan chức năng đã nói lên thực trạng trẻ em bị xâm hại đang gia tăng cũng như tính chất phức tạp của vấn đề này. Theo thống kê của Bộ Lao động, bình quân có tới hơn 1000 vụ xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm. Đây là một tỷ lệ rất lớn so với trước đây.

Trong thời gian qua, rõ ràng các vụ xâm hại tình dục trẻ em được đưa lên báo chí gần đây nhiều hơn, diễn ra liên tục hơn, ở nhiều địa bàn hơn, từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Gia Lai và Hà Nội.

Dù vậy, điều này đã nói lên 2 mặt. Một là có thể tình trạng này gia tăng nhưng cũng có thể nhân dân quan tâm hơn.

Có thể do trước đây thiếu báo cáo hay dư luận không đề cập đến nên chúng ta thấy có vẻ giờ đây tình trạng này gia tăng nhưng nếu muốn đánh giá thật chính xác thì chúng ta phải khảo sát một cách khoa học. Có những số liệu chìm mà chúng ta chưa nghiên cứu được.Bây giờ, ý thức bảo vệ trẻ em cao hơn, gia đình cảm thấy cần phải trừng trị những kẻ xâm hại. Dư luận xã hội lên tiếng nhiều hơn. Sự gia tăng này cũng đã cho thấy sự chuyển biến về mặt nhận thức của xã hội trước những vụ việc trẻ em bị xâm hại.

Đừng làm tổn thương các em và gia đình thêm nhiều lần - Ảnh 1.

TS. Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số trẻ em bị xâm hại ở Việt Nam, thưa bà? Gia đình và các cơ quan chức năng có trách nhiệm như thế nào khi trẻ bị xâm hại?

- Sự gia tăng số trẻ em bị xâm hại phản ánh sự chậm trễ trong việc giải quyết của các vụ án khiến nhiều vụ bị chìm xuồng. Điều này cho thấy nhận thức của các cơ quan chức năng đối với vấn đề quyền của trẻ em chưa đúng mức.

Lấy ví dụ vụ việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu kéo dài suốt 8 tháng nay. Chúng tôi cũng đã gửi công văn đề nghị các cơ quan điều tra đưa ra trước công luận. Chủ tịch nước mới đây đã có công văn yêu cầu làm rõ và vụ việc này cũng vừa được khởi tố. Chính dư luận đã buộc các cơ quan chức năng phải làm rõ vụ việc này.

Yêu cầu khởi tố vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu Yêu cầu khởi tố vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu

VTV.vn - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu phải khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Khắc Thủy trong vụ án dâm ô trẻ em tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Việc gia tăng số lượng trẻ em bị xâm hại cũng phản ánh đạo đức xã hội của những người không tôn trọng trẻ em và sẵn sàng vi phạm, xâm hại đến thể xác, tinh thần của trẻ em.

Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ việc nhiều phương tiện truyền thông, phim ảnh hiện nay có xu hướng kích dục. Các cảnh ăn mặc gợi cảm, cử chỉ thân mật đã khiến nhiều người lớn không kiềm chế được, kích thích bản năng của con người về mặt thể chất. Trẻ em cũng bị ảnh hưởng lớn bởi những yếu tố văn hóa, truyền thông nói trên. Chưa kể có cả hiện tượng xâm hại qua mạng Internet.

Ngoài ra, một số gia đình chưa quan tâm đúng mức tới việc chăm sóc bảo vệ con cái. Thói quen của người dân Việt Nam trước đây là nặng về chăm sóc sức khỏe hơn là bảo vệ cho trẻ em cho thể chất và tinh thần. Nhận thức của nhiều gia đình, nhà trường và xã hội vẫn chưa đúng đầy đủ.

Gia đình cần phải tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em. Đã có nhiều tài liệu nói về vấn đề này nhưng chúng ta lại chưa tuyên truyền kỹ.

Cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện trẻ em bị tổn thương và bị xâm hại. Ví dụ như trẻ thường ngày vui vẻ nhưng lại có dấu hiệu sợ sệt, tự kỷ, xa lánh mọi người, nhất là đàn ông. Gia đình cũng có thể phát hiện những đối tượng có hành vi dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại, như những người hay bế bồng các em, dụ dỗ đi chơi.

PV: Việc nhiều vụ án về xâm hại trẻ em bị chậm xử lý liệu có liên quan đến khía cạnh luật pháp hiện nay không, thưa bà?

- Luật pháp hiện nay có những lỗ hổng về thủ tục tố tụng. Khái niệm về dâm ô cũng chưa cụ thể. Nhiều hành vi có thể xử lý nhưng vì khái niệm chưa cụ thể nên không thể kết tội do không đủ bằng chứng. Ở nước ngoài, hành vi dâm ô trẻ em nhẹ như sờ vào người cũng sẽ bị xử lý.

Những quy định pháp luật hiện nay không chỉ chưa chặt chẽ mà còn gây phiền hà. Ví dụ để truy tố cần cả người giám định, xác định ADN và nhiều thủ tục phức tạp khác. Khi chờ hoàn thành các thủ tục thì sẽ mất hết các bằng chứng.

Vì vậy theo tôi, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định để giải quyết các vụ trẻ em bị xâm hại.

PV: Hiện thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang dày đặc trên các trang báo. Điều này đã phản ánh sự quan tâm rất lớn từ phía các cơ quan truyền thông nhưng một số tờ báo lại đưa quá nhiều thông tin cụ thể như tên, tuổi, địa chỉ của nạn nhân và gia đình. Vậy việc này có vi phạm quyền trẻ em hay không và ảnh hưởng như thế nào tới các em cũng như gia đình?

- Trước đây, chúng ta chưa có quyền bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em nhưng theo luật mới có hiệu lực vào tháng 6 tới, một số cơ quan truyền thông đã vi phạm pháp luật khi đưa tên hoặc đưa tên viết tắt mà không thay đổi họ tên hay địa chỉ cụ thể. Bên cạnh những bài viết tốt khi nêu sự việc và rút ra kinh nghiệm, cách giải quyết, giúp đỡ các em, còn có những bài viết đưa cả tên cả mặt nạn nhân và gia đình. Đây là biểu hiện của việc vi phạm quyền riêng tư của con người.

Ngay cả bị can chưa bị kết tội cũng chưa phải tội phạm nên không thể đưa tin theo cách sỉ vả, vi phạm quyền con người. Cho nên cách đưa tin phải bảo vệ nạn nhân và tôn trọng đối tượng bị can.

Một số phóng viên chưa hiểu hết quy trình bảo vệ trẻ em, vô tình vi phạm làm cho các em bị tổn thương nhiều lần. Họ có thể không biết mà lầm tưởng tạo dư luận tốt để bảo vệ trẻ em nhưng việc đưa tin như vậy là làm tổn thương các em và gia đình. Đã từng có trường hợp ông bố phải tự tử sau khi dư luận bàn tán về vụ việc của con gái.

Ở các nước khác, trẻ em không lộ mặt trong các vụ án. Cách xử lý giống như một cuộc tọa đàm, truy lý rõ ràng. Ví dụ như vụ Minh Béo cũng không có nhiều thông tin chi tiết vì các cơ quan chức năng không tiết lộ nhiều ra bên ngoài.

Việc đưa tin quá nhiều cũng sẽ gây mất lòng tin vào xã hội, tạo nhầm tưởng rằng hiện tượng này là phổ biến.

Cám ơn bà vì cuộc trao đổi này!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước