Nhà ga Arsenalna thuộc tuyến metro Svyatoshinsko - Brovarska, nằm giữa 2 ga Khreschatyk và Dnipro trong quận Pechersky, trung tâm Kiev, Ukraine, được thiết kế ở độ sâu hơn 105 m so với mặt đất. Công trình nhận được kỷ lục Guiness là "Ga metro sâu nhất thế giới". Nơi này chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 6/11/1960, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Cách mạng Tháng 10 Nga.
Hành khách đi qua hai làn thang cuốn để xuống nhà ga tàu điện ngầm sâu nhất thế giới (Ảnh: Amusing Planet).
Được biết, nhà ga Arsenalna là một phần trong những hạng mục đầu tiên của hệ thống tàu điện ngầm Kiev do Liên Xô thiết kế và xây dựng. Nhà ga được xây vào giai đoạn cao điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Mỹ và Liên Xô đe dọa hủy diệt lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân.
Tại nhà ga này, khi có báo động hạt nhân, một cánh cửa thép chống nổ sẽ hạ xuống, đóng kín đường hầm ở cuối thang cuốn, qua đó tạo thành hầm trú ẩn hạt nhân an toàn.
Nhà ga nằm ở độ sâu kỷ lục hơn 105 m do vị trí đặc thù tại khu vực này nằm cạnh bờ sông Dnepr với địa hình cao hơn phần còn lại của thủ đô Kiev. Nếu thiết kế ở độ sâu bình thường, công trình sẽ bị áp lực nước ảnh hưởng.
Để xuống sân ga, hành khách sẽ đi qua 2 tầng thang cuốn với chiều dài thang cuốn đầu là 55,8 m và thang cuốn sau là 46,6 m. Hành trình mất tối đa 5 phút. Đây cũng là thang cuốn metro được lắp đặt đầu tiên của Ukraine. Ga Arsenalna do nhóm kiến trúc sư G. Granatkin (1913-1990), S. Krushinsky (1914-1985) và N. Shchukina cùng thiết kế.
Không gian nhà ga được thiết kế nhiều tầng, với sân ga tách biệt chứ không nằm cùng một hành lang trung tâm như nhiều ga khác thuộc mạng lưới.
Nhà ga có trần hình mái vòm lát đá cẩm thạch, tường lát gạch men trắng. Tại đây từng có tác phẩm điêu khắc lớn ở khu vực sảnh trước, mô tả sự kiện diễn ra tại nhà máy Arsenalna. Đây vốn là một trong những nhà máy lâu đời và nổi tiếng nhất thủ đô Kiev. Tuy nhiên, tác phẩm này đã bị dỡ bỏ vào khoảng những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã.
Hiện tại, ga Arsenalna vẫn còn bức phù điêu và tượng trang trí do hai nhà điêu khắc nổi tiếng người Ukraine I. Makogon (1907-2001) và A. Nimenko (1925-2006) đồng sáng tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!