"Giải mã cuộc sống": Câu chuyện phía sau tiêu bản rùa Hồ Gươm

PV-Thứ ba, ngày 08/02/2022 16:04 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù rùa Hoàn Kiếm đã chết từ năm 2016 nhưng hiện nay, người dân vẫn có thể chiêm ngưỡng tiêu bản sống động như khi rùa còn sống.

Là sinh vật đậm màu truyền thuyết, gắn liền với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là cá thể thuộc loài rùa mai mềm khổng lồ Rafetus swinhoei đặc biệt quý hiếm - được Sách Đỏ thế giới xếp vào danh mục cực kì nguy cấp, khả năng tuyệt chủng rất cao - thật không may, con cuối cùng sống ở hồ Hoàn Kiếm đã chết vào 19/1/2016, song mọi người vẫn có thể chiêm ngưỡng một tiêu bản sống động như khi rùa còn sống. 

Vào ngày 19/1/2016, tin rùa Hoàn Kiếm chết đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân. Đây là cá thể rùa quý hiếm duy nhất còn lại trong hồ. Cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến, nhiều phương án làm tiêu bản để người dân sau này vẫn có thể chiêm ngưỡng được biểu tượng linh thiêng ở trong tiềm thức người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Cũng trong cuộc họp khẩn, tất cả đã thống nhất chuyển xác rùa về bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tiêu bản rùa Hồ Gươm - Ảnh 1.

Trước đây, tiêu bản của cá thể rùa Hồ Gươm đã được tiến hành theo phương pháp cũ, đó là tiến hành mổ bụng, lấy toàn bộ phần thịt và nội tạng, rồi tiến hành lột, xử lý bộ da bằng phóc môn. Bước tiếp theo là dựng bộ xương bằng khung sắt, nhồi bông tái sinh làm phần thịt, bọc bộ da lên và dùng dầu bóng để tạo vẻ ngoài như thật.

Việc làm tiêu bản mẫu sinh vật là công việc quen thuộc với các nhà sinh vật. Tuy nhiên, với yêu cầu tiêu bản rùa Hoàn Kiếm vừa phải đảm bảo tính bền vững theo thời gian, đồng thời giữ được hình thái sinh động như đang sống là một bài toán vô cùng khó khăn. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều phương pháp làm tiêu bản nhưng mỗi phương pháp lại có những hạn chế nhất định. Và hơn hết là yêu cầu phải có một tiêu bản thật sống động, giống như khi còn sống: từ màu sắc đến thần thái. Cuối cùng, một phương pháp được lựa chọn, đó là phương pháp nhựa hóa, song, công nghệ này chưa được thực hiện ở Việt Nam. Để làm tiêu bản theo phương pháp này chỉ có thể mời chuyên gia nước ngoài. Với mối liên hệ của mình, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mời được 2 chuyên gia người Đức nổi tiếng trong lĩnh vực chế tác tiêu bản theo công nghệ nhựa hóa.

Quá trình chế tác tiêu bản rùa Hoàn Kiếm

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tiêu bản rùa Hồ Gươm - Ảnh 2.

Phương pháp nhựa hóa đã được áp dụng để làm tiêu bản rùa Hoàn Kiếm. Sau khi mổ bụng đưa hết nội quan ra, giữ lại bộ xương nguyên vẹn và được ngâm vào một loại hóa chất để bắt đầu nhựa hóa. Hóa chất ngấm vbafo các mô, tế bào và giữ nguyên hình dáng ban đầu. Quá trình ngâm hóa chất để nhựa hóa kéo dài 18 tháng vì mẫu vật quá lớn. Tiếp theo, các chuyên gia bắt đầu cho một số loại hóa chất để hút ẩm và sau đó mới bắt đầu tới giai đoạn chế tác tư thế, làm khung. 

Sau khi mẫu vật để khô, các chuyên gia của Đức và Việt Nam bắt đầu tiến hành việc đo khoảng cách giữa các chân và làm khung xương bằng thép, gia cố cho hình dáng của rùa được cố định, không bị xô lệch do các tác động của ngoại lực. Các phần da được lắp lại, được cắt, hàn, buộc cẩn thận. Vì vậy, hầu hết mọi thứ trên cơ thể rùa gần như không khuyết phần nào. 

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tiêu bản rùa Hồ Gươm - Ảnh 3.

Ngay với các chuyên gia người Đức, việc áp dụng công nghệ này với sinh vật lớn như rùa Hoàn Kiếm cũng là một khó khăn. Bởi mẫu vật quá lớn nên công việc cũng tiến hành chậm hơn so với dự kiến. Theo các chuyên gia Đức, họ thường làm mẫu vật 20-30kg, chưa từng làm tiêu bản rùa nước ngọt nào lớn như rùa Hoàn Kiếm. Vì vậy, quá trình làm tiêu bản của họ rất cẩn trọng và tỉ mỉ. Những người thực hiện đã chế tác sao cho mẫu vật không thay đổi ở hình thức bên ngoài. 

Sau quá trình nhựa hóa mẫu vật, để tiêu bản có hình thái như đang sống, có rất nhiều tư liệu để các chuyên gia tham khảo. Tuy nhiên khó nhất vẫn chính là đôi mắt, đây chính là yếu tố tạo nên thần thái của mẫu vật như khi đang sống. Các chuyên gia phải dùng ảnh cận mắt cụ rùa, đo kích thước hốc mắt, gửi sang Đức để chế tạo. Mắt rùa được làm bằng thủy tinh, in cộng nghệ 3D, lòng mắt có con ngươi sử dụng hiệu ứng ánh sáng tạo hiệu ứng sống động. 

Bảo quản tiêu bản rùa Hoàn Kiếm

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tiêu bản rùa Hồ Gươm - Ảnh 4.

Sau 2 năm, việc thực hiện mẫu vật đã hoàn thành, tiêu bản được đưa vào trong tủ kính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một chiếc tủ kính rất đặc biệt được sản xuất ở Đức. Phía trong tủ là hệ thống hút ẩm với khả năng lọc bào tử phấn hoa, nấm mốc ngăn ngừa các nguy cơ có thể ảnh hưởng tới mẫu vật.

Tủ kính đặt tiêu bản cụ Rùa được chế tạo bằng kính siêu trắng, đây là kính cường lực có khả năng chống tia UV, chống phản quang. Loại kính này cũng đã đem đến cho người quan sát hình ảnh chân thực nhất về mẫu vật. Khi người xem muốn chụp ảnh cũng không bị phản lại ánh đèn, phản hình ảnh của người chụp lên kính. 

Việc tiêu bản rùa Hồ Gươm được chế tác giữ nguyên trạng mẫu vật có ý nghĩa trong việc nghiên cứu hình thái và mẫu ADN phục vụ cho nghiên cứu, giám định loài. Hơn nữa, rùa Hồ Gươm mang giá trị tâm linh, giữ được rùa một cách sống động nhất sẽ giúp cho thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước