Một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể mang tới hậu quả đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của con người. Những trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp với các tác động tiêu cực từ môi trường có thể khiến các vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn như theo nghiên cứu của Trường Y khoa Harvard, tỷ lệ tự tử và có ý định tự tử ở cư dân các vùng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Katrina (năm 2005) đã tăng vọt. Trong khi đó, theo nghiên cứu khác thì cứ 1 trong 6 người ở khu vực bị bão Katrina tàn phá có dấu hiệu bị trầm cảm, sang chấn tâm lý. Những người sống sót hoặc bị ảnh hưởng sau các vụ cháy rừng, bão… cũng thường chịu ảnh hưởng tâm lý có khi kéo dài trong nhiều năm. Nỗi lo âu vì các vấn đề môi trường nảy sinh với cảm giác rằng, mọi thứ chúng ta làm, bằng cách nào đó, đều gây hại cho hành tinh đang sống và gián tiếp tác động gây hại cho chính chúng ta.
Sóng nhiệt ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân (ảnh: AFP)
Theo Tiến sĩ Erica Dodds, Giám đốc điều hành The Foundation for Climate Restoration (tạm dịch Quỹ phục hồi khí hậu), những người lo lắng về môi trường thường có hai thái cực. Một mặt, họ có thể chủ động hơn hầu hết mọi người trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên, như tiết kiệm nước, giảm tiêu thụ nhựa dùng một lần... Nhưng mặc khác, họ luôn cảm thấy bất lực, vô vọng trong việc ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường sống.
Đáng chú ý, tình trạng lo âu này cũng bắt gặp ở trẻ em. Tổ chức Earth Rangers đã thực hiện một cuộc khảo sát 1.000 trẻ em Mỹ từ 6 đến 11 tuổi và phát hiện ra rằng 80% số trẻ được hỏi chia sẻ cảm giác lo sợ với các vấn đề về môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức từ chuyện động vật bị tuyệt chủng đến tương lai chung của Trái đất. Theo chuyên gia, trẻ em như miếng bọt biển “hút” các thông tin xung quanh nhưng lại chưa có đủ kiến thức, trải nghiệm cần thiết để xử lý, để lọc ra những gì thực sự phù hợp trong quá trình tiếp nhận. Trẻ dễ có xu hướng đồng cảm với những gì người lớn quan tâm nhưng đồng thời lại biến thành những lo lắng theo cách riêng của mình, khiến nỗi lo có khi trở nên trầm trọng hơn trong khi tâm lý các em còn non nớt, ngây thơ, chưa đủ vững. Cũng như người lớn, nỗi lo âu với trẻ em cũng đến từ cảm giác những nỗ lực thay đổi, bảo vệ môi trường có vẻ đã ngoài tầm với, chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.
Trẻ em được khuyến khích tham gia nhiều hoạt động ngoài trời, chăm sóc động vật, gần gũi với thiên nhiên (ảnh: AFP)
Trước vấn đề không thể thờ ơ về sức tác động của môi trường, của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tinh thần cả người lớn và trẻ em, các chuyên gia cho rằng, không có cá nhân nào phải đơn phương chịu trách nhiệm trước những vấn đề của môi trường nhưng mỗi cá nhân lại đều có thể góp sức theo nhiều cách khác nhau để tạo nên sự thay đổi tích cực.
Làm thế nào để kiểm soát và giảm nỗi lo âu về môi trường? Theo Tiến sĩ Erica Dodds, có rất nhiều cách để sống xanh, thân thiện với môi trường mà mọi người có thể áp dụng như sử dụng xe đạp, các sản phẩm bền vững, lựa chọn thức ăn có nguồn gốc thực vật, định kỳ tham gia vào các tổ chức bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện, mong muốn của bản thân…
Hãy bắt đầu bằng việc trau dồi thông tin, kiến thức về môi trường. Khi hiểu sâu hơn, kỹ hơn về những vấn đề xảy ra xung quanh, mọi người sẽ bình tĩnh hơn, giảm bớt nỗi lo lắng, bớt đi cảm giác tự dằn vặt, tức giận để tập trung vào tìm kiếm những khía cạnh tích cực, có động lực để bắt tay vào hành động cụ thể, hữu ích.
Đạp xe vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao chất lượng sức khỏe
Các hoạt động tham quan dã ngoại, về với thiên nhiên có tác dụng cải thiện tình trạng lo âu (ảnh: AP)
Đối với trẻ em, các chuyên gia khuyên rằng để tránh cảm giác lo lắng, bất an phụ huynh nên đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu với con cái, mặt khác nên hướng trẻ tới những khía cạnh lành mạnh của môi trường như giá trị, công sức của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, những tình nguyện viên đang miệt mài cống hiến để giữ màu xanh cho Trái đất, bảo vệ các loài động vật, bảo vệ đại dương, nguồn nước… Nỗi sợ hãi bị trầm trọng hóa với những viễn cảnh không mấy sáng sủa ở trẻ em nên được quan tâm và thay đổi bằng những cách giúp trẻ bình tĩnh, vui vẻ hơn như tập thể dục, dành thời gian khám phá, nghỉ ngơi, thư giãn với thiên nhiên hay bắt tay vào thực hiện những công việc vừa sức, giúp môi trường ngay xung quanh trẻ xanh, sạch hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!