Dãy nhà cổ phía sau Khổng miếu, thành phố Hội An, là nơi gia đình Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba sản xuất đèn lồng từ hàng chục năm nay.
Cơ sở chính chỉ có vài nhân công, chủ yếu là người trong nhà. Còn các công đoạn như sơ chế tre, vót nan… thì được vài chục hộ gia đình khác nhận gia công bên ngoài.
Hiện công việc chính được nghệ nhân Huỳnh Văn Ba giao cho con trai và dâu. Còn ông tập trung vào việc thiết kế những kiểu dáng đèn mới.
Ngoài đèn vải, đèn lụa, cơ sở của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba còn đan đèn lồng tre. Đây hiện đang là một trong những mặt hàng được yêu thích nhất, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
Không giống như những nghề thủ công khác, bất cứ công đoạn nào khi làm đèn đều quan trọng như nhau. Nan vót phải đều, phơi vừa đủ nắng để không giòn quá. Khi đan vào khung phải đều tay, khoảng cách giữa các nan là giống nhau thì đèn mới cân đối.
Công đoạn dán lụa cũng cầu kỳ không kém vì lụa phải dán vừa đủ căng để tạo độ phồng cho đèn nhưng không được căng quá, tránh khi gập vào mở ra bị rách. Các mép lụa khi dán không được lộ. Người dán cũng phải nhẹ tay, khéo léo, bởi lụa rất dễ bị rạn, bị xù.
So với nhiều nghề thủ công khác, nghề làm đèn lồng là một trong những nghề có tỷ lệ sử dụng máy móc ít nhất. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà mỗi chiếc đèn lại có một vẻ duyên dáng khác nhau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!