Khách nước ngoài trải nghiệm Tết Việt

Kim Ngân-Thứ sáu, ngày 31/01/2014 09:00 GMT+7

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách quốc tế tìm đến Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền để khám phá những những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xem rối nước, gói bánh chưng hay viết thư pháp là những trải nghiệm thú vị, khơi mở, kết nối tâm hồn Việt, văn hóa Việt với bạn bè thế giới. Chúng ta hãy cùng xem những người bạn phương xa cảm nhận như thế nào về Tết Việt

Chị Theresa, một du khách Ba Lan lần đầu tiên đến Việt Nam. Chiếc bánh chưng vuông, được gói từ gạo và lá dong hoàn toàn lạ lẫm với ẩm thực tại đất nước Ba Lan của chị, nhưng chỉ sau vài thao tác thực tập, chị đã tỏ ra khá thành thục. Sau một chuyến bay dài, chị vẫn hết sức phấn chấn và hăm hở. Chị Theresa là một trong các thành viên đoàn khách Ba Lan sẽ lưu lại Việt nam trong khoảng 2 tuần và sẽ đi từ Bắc vào Nam để trải nghiệm trọn vẹn cái tết Việt. Và Hà Nội chính là điểm bắt đầu trong chuyến hành trình trải nghiệm của chị.

‘ Du khách nước ngoài thích được trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Việt. (Ảnh minh họa)

Chị Theresa chia sẻ: “Thật là lạ, tôi chưa bao giờ gói bánh trong một cái khuôn vuông như thế này, tôi cũng không nghĩ mình lại khéo léo như thế. Nếu trong ngày Tết mà được cùng người thân gói bánh chắc chắn là rất vui”.

Ngay trong những ngày Tết, gần 300 chỗ ngồi của Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội không còn một chỗ trống. Các đơn vị lữ hành cho biết, các đoàn khách hầu hết phải đặt vé trước cả tháng hoặc nửa tháng mới có chỗ, chứ nếu mua vé lẻ chưa chắc đã có. Được tán thưởng nhất là các tiết mục vợ chồng cày cấy, chăn vịt, múa rồng. Có thể thấy sức hấp dẫn của những nét văn hóa truyền thống Việt với khách nước ngoài, mà nếu biết cách nắm bắt và khai thác, sẽ mang lại những giá trị lớn về du lịch và quảng bá văn hóa.

Anh Antonio, du khách Ba Lan nói: “Các bạn tôi bảo rằng đến Việt nam phải đi xem rối nước. Đúng là rất độc đáo, không ở đâu có. Các nghệ sỹ điều khiển rối rất tài tình và quan trọng hơn là nó thể hiện nền văn hóa lúa nước đặc trưng của các bạn”.

Những vị khách nước ngoài ấy không biết tiếng Việt, càng không biết chữ Hán Nôm, nhưng ai cũng háo hức xin ông đồ cho chữ. Những chữ họ cầu xin cũng chẳng khác gì những chữ người Việt thường xin thầy đầu năm: sức khỏe, hạnh phúc, hiếu thảo và yêu thương. Thế mới biết, dù ở nền văn hóa nào, con người vẫn có chung những giá trị và luôn có nhu cầu được kết nối, sẻ chia.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước