1. Phố Ông Đồ
Xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống đón xuân của người Việt. Vào dịp năm mới, nhiều người lại rủ nhau đến phố Ông Đồ (Văn Miếu) để xin chữ cho mình, người thân và bạn bè... với ước muốn năm mới vui vẻ, nhiều tài lộc đúng như ý nghĩa của chữ đã xin.
‘ Ông đồ cho chữ tại phố Văn Miếu. Ảnh: VOV
Năm nay, phố ông Đồ sẽ được chuyển từ vỉa hè phố Văn Miếu vào khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở cửa từ 8h30 đến 20h hàng ngày. Riêng đêm 30 Tết kéo dài đến 2h, ngày mùng 1, 2 Tết kéo dài đến 22h.
2. Hoàng thành Thăng Long
Tết này, bạn có thể ghé chơi Hoàng thành Thăng Long để chiêm ngưỡng vẻ đẹp di sản Việt Nam ở các góc độ khác nhau. Tại đây trưng bày hơn 100 tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng từ hơn 6.000 tác phẩm về đề tài di sản, bao gồm Di sản thiên nhiên, Di sản văn hoá vật thể (kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thủ công mỹ nghệ, làng nghề…), Di sản văn hoá phi vật thể (ca múa nhạc, lễ hội, trò chơi dân gian, tín ngưỡng và tôn giáo…).
Trong không gian mở, cổ kính và trầm mặc của Hoàng thành Thăng Long, các di sản văn hóa Việt Nam đã được tái hiện sinh động, độc đáo, đưa người xem vào một hành trình khám phá, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 28/2.
3. Bảo tàng Dân tộc học
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bắt đầu các chương trình chơi xuân phục vụ du khách bắt đầu từ mùng 4 đến mùng 10 Tết. Trong 5 ngày đầu tiên, các hoạt động hướng đến chủ yếu là ẩm thực dân tộc, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa rối nước... Ngày mùng 9 và 10 Tết, các trò chơi dân gian truyền thống mới được triển khai.
‘ Kéo co tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: dulichvietnam
Tại đây, du khách sẽ được trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc trong ngày Tết như thụt thò (dân tộc Êđê), cọp ốm (dân tộc Bana), đánh cầu lông gà (dân tộc Thái, H'Mông, Pà Thẻn), nhảy chữ thập (dân tộc Khơmú), đi cà kheo, bắt chạch trong chum, đánh đu...
4. Công viên Mặt trời mới
Mở cửa từ mùng 1 Tết và kéo dài đến hết ngày 6/1 Âm lịch, công viên Mặt trời mới - Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây là điểm chơi xuân lý tưởng ở Hà Nội trong đợt nghỉ lễ tới đây. Trong thời gian này, chương trình nghệ thuật mang tên Sắc Xuân 2014 sẽ được tổ chức với các hoạt động như nhảy sạp, múa rối cạn và biểu diễn dân ca 3 miền...
Các bé cũng sẽ có dịp vui chơi thỏa thích với những màn ảo thuật và gameshow vui nhộn. Tại đây sẽ diễn ra một phiên chợ quê với các món ăn dân dã để đổi vị trong ngày Tết như bún ốc, bánh cuốn, bánh đúc...
5. Rạp chiếu phim
Vào dịp Tết, các rạp phim đều mở cửa từ rất sớm (khoảng mùng 2 Tết) và phục vụ rất nhiều phim hay ở các thể loại như hài hước, tình cảm, hành động, kinh dị... Đi xem phim vào dịp này là lựa chọn của không ít các bạn trẻ và gia đình nhằm tìm đến những giây phút nghỉ ngơi và thư giãn sau một năm bận rộn.
Bạn có thể tới các rạp trung tâm như CGV Vincom Bà Triệu, Platinum The Garden, Lotte Cinema Keangnam... Ngoài ra, một số rạp mới khác cũng có thể đặt trong danh sách lựa chọn của bạn như trung tâm chiếu phim Quốc gia, rạp Tháng Tám, Royal City, Times City hay Megastar Mipec Tower...
6. Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
‘ Lễ hội đua ngựa sẽ được tái hiện trong xuân Giáp Ngọ. Ảnh: vietwindtravel
Sẽ không có gì ý nghĩa hơn trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ, du khách được chứng kiến màn tái hiện hội đua ngựa đầu Xuân của cộng đồng dân tộc Mông (Bắc Hà, Lào Cai) tại làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây. Đây là lễ hội thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng mãnh và tự tin của các chàng trai người Mông, đồng thời tôn vinh truyền thống thượng võ của những người con nơi núi rừng Tây Bắc.
Đến đây, du khách còn được biết thêm nhiều lễ hội đặc sắc của các dân tộc như Tết Hạn Cuống (mừng Xuân mới) của dân tộc Thái (Hoà Bình), lễ hội bắt chồng dịp năm mới của dân tộc Chu Ru (Lâm Đồng); lễ hội trỉa lúa (cầu mùa) của dân tộc B’râu (Kon Tum), Tết Păng Katê của dân tộc Chăm (Bình Thuận)… Ngày hội diễn ra từ ngày 15 đến 17/2 (tức ngày 16 - 18 Tết Giáp Ngọ).