Rủi ro sức khỏe do tình trạng cô đơn
Những giai điệu đẹp nhưng thật buồn của Khi người lớn cô đơn được nhạc sĩ Phạm Hồng Phước sáng tác cách đây gần 10 năm nhưng vẫn khiến nhiều người trẻ ngày nay thấy câu chuyện của mình trong đó. Những tưởng "cô đơn" là chuyện thế hệ nào cũng có nhưng thế hệ ngày nay thì rất khác, sự cô đơn đang diễn ra trầm trọng hơn, đến mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định đưa "tình trạng cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu.
Những rủi ro về sức khỏe do tình trạng cô đơn gây ra có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Đồng thời, những người thiếu kết nối xã hội sẽ phải đối mặt nguy cơ tử vong sớm cao hơn, chức năng miễn dịch kém, các vấn đề về tim mạch và sự suy giảm nhận thức. Những người bị cô lập cũng có xu hướng có nhiều thói quen không lành mạnh hơn như hút thuốc, uống rượu quá mức và ít vận động hơn.
Trào lưu "một mình vẫn ổn"
Một lựa chọn luôn có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố. Ngày nay, mạng xã hội chắc chắn là một yếu tố không thể bỏ qua. Nếu một người trẻ đang cảm thấy "cô đơn" thì rất có thể họ sẽ lựa chọn luôn nó trở thành cách sống của mình sau khi nhận được sự đồng cảm từ những đoạn clip trên mạng xã hội.
Đây là trào lưu làm Vlog cuộc sống độc thân. Xuất hiện nhiều tại Việt Nam từ cuối năm 2022, tới nay, những video nội dung dạng này vẫn nhận được nhiều lượt tương tác. Những từ khóa như: #cuocsongdocthan hay #livingalone luôn có cả chục triệu lượt xem. Đây đều là những đoạn clip ghi lại hình ảnh trong cuộc sống thường ngày, nhân vật chính là một chàng trai hoặc cô gái trẻ sống một mình trong căn hộ nhỏ ở thành phố. Cùng với phần nhạc nền thủ thỉ, tâm tình, những video này truyền tải một thông điệp khá rõ ràng: "Một mình vẫn ổn".
Người trẻ cô đơn trong tình yêu và gia đình
Chẳng ai thích cô đơn bởi chúng ta vốn là những sinh vật có xu hướng sống dựa vào nhau thành một xã hội. Lựa chọn này có lẽ chỉ xuất hiện do chính sự phát triển của xã hội ngày nay. Đất chật, người đông, kết nối mạng thì nhiều nhưng khoảng cách thực giữa người với người cũng không nhỏ.
Thiếu sự quan tâm, người ấy quá bận rộn đến nỗi khi những tin nhắn, cuộc gọi hỏi thăm dần ít đi, nhớ mà không thể gặp, khi muộn phiền không thể sẻ chia... là lý do khiến một cô gái cảm thấy cô đơn trong chính tình yêu của mình. Đến khi không còn tiếng nói chung, lựa chọn để giải thoát sự cô đơn này là chia tay.
Cô gái này thổ lộ: "Từ khi bắt đầu yêu nhau, bọn mình cũng không hề công khai, vào ngày lễ của những cặp đôi thì mình cũng không có những món quà, những lời chúc. Bản thân mình có cảm giác trong mối quan hệ này, mình như là thứ để người ta thỏa mãn nhu cầu tình dục, sau những lần ân ái, họ càng hờ hững. Bạn ấy thường xuyên nói với mình về những vấn đề không vui trong cuộc sống của bạn ấy. Mình cảm thấy bản thân mình như một cái thùng rác để người ta có thể chứa những cảm xúc tồi tệ nhất, khiến mình thấy cô đơn nhất.
Khoảng thời gian ấy mình mất ngủ, không ăn, cũng không ngủ và đôi lúc còn chỉ biết ngồi một góc khóc rồi không biết làm gì để người ta biết đến cảm xúc của mình ngay lúc này. Thích thì tìm đến, không thích thì thôi, mình cảm thấy không có sự kết nối nào cả. Đây có lẽ là lý do mà không thể nào tiếp tục bên cạnh nhau được nữa".
Với một chàng trai khác, là thành viên út trong gia đình, khoảng cách về thế hệ đã khiến anh mất kết nối với mọi người một thời gian dài từ cấp 2 lên Đại học.
Nam thanh niên chia sẻ: "Những cuộc nói chuyện với bố mẹ thì hầu như không quá được 5 phút là bắt đầu có cãi vã và to tiếng với nhau. Chưa bao giờ bố mẹ từng hỏi mình rằng mình có đang cảm thấy hạnh phúc không? Hay bố mẹ có mong muốn mình sẽ có được một cuộc sống như thế nào mà chỉ quan tâm về những điều bố mẹ muốn. Có nhiều lần mình đi làm về, mình đã đi chơi, đi lượn lờ xung quanh ở dưới chân tòa nhà bởi mình không muốn về nhà. Mình rất sợ và cảm thấy khó chịu với cảm giác khi bố mẹ bắt đầu tra hỏi. Những người lẽ ra phải hiểu mình nhất cũng không đứng về phía của mình mà phản đối, điều đó khiến mình cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà của mình".
Những dịch vụ dành cho người thích cô đơn
Cũng giống như việc tiếp xúc với những người vui vẻ sẽ khiến chúng ta cũng thấy vui vẻ, hạnh phúc thì cảm giác cô đơn cũng như vậy, nó có tính lây lan. Nơi nó lây lan mạnh nhất có lẽ là nơi nhiều người cô đơn gặp nhau nhất. Thật đáng ngại là có nhiều dịch vụ ngoài kia lại đang "tiếp tay" cho cảm giác cô đơn này.
Có nhiều lý do khiến cho người ta cảm thấy cô đơn nhưng có một điểm chung ở những người có cảm giác này là họ luôn muốn tìm đến những không gian mang tính riêng tư để tận hưởng niềm vui "một mình". Từ đây, nhiều dịch vụ dành riêng cho nhu cầu này cũng ra đời. Không chỉ có các quán café, nhiều nhà hàng cũng có sự chăm sóc đặc biệt với các khách thích "một mình".
Những không gian này chỉ là cách để các đơn vị kinh doanh chiều lòng khách hàng chứ chẳng ai muốn khách hàng của mình mãi cô đơn.
Các nước nỗ lực giúp người trẻ không cô đơn
Những dịch vụ nói trên chẳng có gì sai, họ chỉ đang phục vụ nhu cầu một mình chính đáng của khách hàng. Về phía những khách hàng, nếu thực sự muốn thoát khỏi sự cô đơn, có lẽ trước tiên phải loại bỏ nó ra khỏi danh sách những lựa chọn hàng ngày, cần đến những nơi vui vẻ và có nhiều kết nối hơn.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt nên nhiều cách làm chống lại sự cô đơn cũng đang được áp dụng. Đơn giản như tại thành phố Lulea ở Thụy Điển, chính quyền đã khuyến khích người dân nói "xin chào" nhiều hơn. Cụm từ "xin chào" cũng được quảng bá trên xe bus và các trường học. Thậm chí, thành phố còn tổ chức các buổi hội thảo nhằm chỉ dẫn cho người dân về cách chào hỏi thân thiện.
Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã chi gần 500 USD/tháng để khuyến khích những thanh niên sống ẩn dật rời khỏi nhà. Theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, khoảng 3% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 - 39 được coi là người cô đơn hoặc sống ẩn dật, tức khoảng 350.000 người. Một loạt các yếu tố, bao gồm lo lắng xã hội, căng thẳng và bất ổn kinh tế đã thúc đẩy hiện tượng này. Khoản trợ cấp này có thể được những thanh niên sống khép kín sử dụng để trả chi phí sinh hoạt chung, đồ dùng học tập, trải nghiệm văn hóa và thậm chí cả các thủ thuật thẩm mỹ như xóa sẹo.
Không chỉ thế, thành phố Seongnam gần thủ đô Seoul đã có sáng kiến tổ chức dịch vụ mai mối cho những người còn độc thân. Tháng 11 vừa qua, hơn 100 người đã tham dự sự kiện này với rượu vang, socola và những bàn tiệc xa hoa, thậm chí có cả dịch vụ trang điểm miễn phí trước khi gặp mặt. Mục đích là tạo không khí thoải mái nhất cho người tham gia.
Còn ở Nhật Bản, giới chức nước này đã áp dụng một số biện pháp bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng và các chiến dịch ngăn ngừa tự tử vì quá cô đơn thông qua mạng xã hội; phân công thêm nhân viên tư vấn học đường và nhân viên xã hội; duy trì dịch vụ tư vấn qua điện thoại 24/7 cho những người có mối quan hệ xã hội yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!