Kỹ thuật vi phẫu cấy ghép xương hàm

Nguyệt Ánh-Thứ sáu, ngày 05/08/2011 15:00 GMT+7

Một trong những kỹ thuật tiên tiến được triển khai hiệu quả tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương là kỹ thuật vi phẫu ghép đoạn xương hàm để phục hồi lại khuôn mặt bị tàn phế ở những bệnh nhân đã bị cắt bỏ xương hàm do ung thư hoặc do các bệnh lý khác.

Ảnh minh hoạ

Với việc lấy mảnh xương mác ở chân ghép vào vị trí xương hàm bị khuyết, kỹ thuật này cũng là một chuyên đề quan trọng được trình bày tại hội nghị khoa học quốc gia ngành Răng hàm mặt vừa qua.
Bệnh nhân Hoàng Trung bị u men xương hàm dưới từ năm 4 tuổi và phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đến nay, sau 14 năm, Hoàng Trung đã có cơ hội cải thiện khuôn mặt khi đến viện Răng hàm mặt Trung ương để phục hồi lại phần xương bị khuyết hổng. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy một đoạn xương mác ở vùng chân được tạo hình theo hình dáng khuyết vùng xương hàm đưa lên ghép bằng phương pháp vi phẫu cấy ghép xương tự thân và thông qua kính hiển vi để nối các mạch máu với nhau.
TS Phạm Dương Châu - Trưởng khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt, Viện Răng hàm mặt Trung ương cho biết: “Sử dụng kỹ thuật vi phẫu để cấy ghép xương tự thân, có nghĩa là mảnh xương được đưa lên có động mạch và tĩnh mạch. Sau đó, nối động mạch và tĩnh mạch của xương đưa lên với động mạch tĩnh mạch tại chỗ để nuôi mảnh xương như vùng mà trước kia chưa bị cắt rời. Chính vì mảnh xương đưa lên có sự nuôi dưỡng đó nên không bị tiêu, hoại tử và chắc. Sau đó người ta có thể phục hồi răng trên xương mà sử dụng kỹ thuật vi phẫu”.
Trải qua 6 tiếng phẫu thuật, tại vùng ghép xương của bệnh nhân Hoàng Trung, mạch máu lưu thông tốt. Trước đây với những trường hợp tương tự, bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ toàn bộ đoạn xương hàm nhằm tránh biến chứng. Tuy nhiên nếu áp dụng phương pháp thông thường thì hiệu quả thẩm mỹ không cao và khuôn mặt người bệnh phần nào bị tàn phế. Vì thế, phương pháp này được triển khai thực sự đã mang lại kết quả khả quan hơn.
Hiện nay, có không ít số bệnh nhân bị u men răng phải cắt xương hàm do ban đầu khối u không gây đau nhức, vẫn ăn uống bình thường nên khó nhận biết. Chỉ đến khi mặt bị sưng, gây biến dạng, mới đi khám thì bệnh đã tiến triển nặng. Do vậy, các bác sỹ khuyến cáo mọi người nên đi khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Việc chăm sóc dự phòng cũng chính là một trong những chiến lược quan trọng mà ngành Nha khoa Việt Nam đang hướng tới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước