Trong hai thập kỷ qua, chúng ta được nghe rất nhiều về những lợi ích của việc ăn theo chế độ dinh dưỡng giàu protein. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chế độ dinh dưỡng này có thể gây hại cho sức khỏe.
Một nghiên cứu tại Phần Lan theo dõi 2400 nam trung niên trong suốt 22 năm qua cho thấy chế độ ăn giàu protein sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 49% người bình thường. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những người hấp thụ lượng protein lớn, đặc biệt ở dạng thịt đỏ hoặc qua chế biến, có khả năng mắc nhiều loại bệnh như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch hay ung thư đại tràng.
Vậy tại sao trong nhiều năm qua chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng cần ăn nhiều protein để khỏe mạnh? Giáo sư về dinh dưỡng – ông Thomas Sanders – tin rằng ý tưởng này ban đầu đến từ giáo sư Nevin Scrimshaw vào những năm 1960. Giáo sư Scrimshaw cho rằng protein thực vật thiếu chất axit amin, do đó ông tin chúng ta cần ăn nhiều protein động vật hơn. Tiếp đó là xu hướng bổ sung protein để tăng cơ, tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu số lượng cụ thể về vấn đề này.
Giáo sư Sanders cho biết thêm: "Tập luyện mới là cách giúp tăng cơ. Nếu bạn ăn lượng protein nhiều hơn cần thiết, cơ thể sẽ tự chuyển hóa nó thành chất ammoniac và urê, sau đó sẽ tự bài tiết ra ngoài".
Thực tế cho thấy, so với các loài động vật có vú, cơ thể con người chỉ đòi hỏi một lượng protein chiếm 10% lượng calo hàng ngày mà thôi. Điều này tương đương với khoảng 50 – 60 gram đối với một người bình thường, nhưng chúng ta thường có thói quen hấp thụ protein nhiều hơn từ 75 – 100 gram.
Tuy nhiên, không phải protein nào cũng mang lại những hệ quả tiêu cực. Các loại protein có nguồn gốc từ gia cầm, sữa và các loại hạt được cho là có tác dụng trung hòa, thậm chí là có lợi cho tim mạch, miễn là ở mức độ vừa phải.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!