Mở cánh cửa hòa nhập cho người khuyết tật

Thu Hiền, Phan Hằng (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 02/12/2019 21:35 GMT+7

VTV.vn - Còn nhiều rào cản cần phải xóa bỏ để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là từ cộng đồng xã hội.

Ngày 3/12 được LHQ chọn là Ngày Quốc tế người khuyết tật. Chủ đề của năm nay là "Tầm quan trọng của sự hòa nhập: Tăng cường sự tiếp cận và quyền của tất cả mọi người".

Trên thực tế, hòa nhập không chỉ là một mục tiêu mà còn là mong ước của tất cả những người khuyết tật ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này còn rất nhiều rào cản cần xóa bỏ, trong đó, rào cản lớn nhất không phải từ phía những người khuyết tật, mà lại từ chính xã hội.

Bỏ lại công việc, gia đình ở Nam Định, vợ chồng chị Nga lên trọ ở Hà Nội gần chục năm nay để tìm trường học cho con. Bé Vượng, con trai đầu lòng của anh chị, bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc sống ở Hà Nội đầy thiếu thốn, vất vả. Chồng làm xe ôm, vợ thì có ai gọi gì làm nấy. Họ vui vẻ đón nhận tất cả những khó khăn ấy, còn hơn ở quê, họ không thể tìm được một trường học phù hợp cho con.

Thiếu trường học chỉ là một trong những rào cản khiến trẻ khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung khó hòa nhập. Còn rất nhiếu những rào cản khác, cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến cho con đường hòa nhập của người khuyết tật đầy gập ghềnh, khó khăn.

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ Unicef, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7% dân số. Tuy nhiên, chỉ có 2% trường tiểu học và trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật.

Về y tế, cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế nhưng mới chỉ có khoảng 2,3% nhóm này tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương.

Bên cạnh đó, có tới 43% người khuyết tật được hỏi cho biết đã từng có cảm nhận bị kỳ thị. 46% người khuyết tật tự cho rằng họ không nên yêu và lập gia đình do mặc cảm cá nhân.

Điều đáng nói, những rào cản này không xuất phát từ phía những người khuyết tật và nếu chỉ những người khuyết tật cố gắng, nỗ lực là không đủ.

Thực tế cho thấy, nếu được hòa nhập từ sớm, người khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Quan trọng hơn, họ sẽ có sự tự tin.

Thảo Đan là một người như thế. Vui vẻ, tự tin, không ai nghĩ rằng Đan là một người mù bẩm sinh. Hiện Thảo Đan đang là sinh viên đại học ngành công tác xã hội, em còn tích cực tham gia vào công tác xã hội để trợ giúp lại cho những người thiệt thòi như mình. Đan mong rằng, những nỗ lực của bản thân mình sẽ trở thành động lực cho những người khuyết tật ở khắp nơi.

Hòa nhập cho người khuyết tật: Không chỉ từ một phía Hòa nhập cho người khuyết tật: Không chỉ từ một phía Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật Top 9 giải pháp sáng tạo hàng đầu tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật Việt Top 9 giải pháp sáng tạo hàng đầu tăng khả năng tiếp cận cho người khuyết tật Việt

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước