Mũ bảo hiểm tái chế từ vỏ sò

Quang Hưng (PV thường trú THVN tại Nhật Bản)-Thứ tư, ngày 04/09/2024 14:22 GMT+7

VTV.vn - Một nhà máy tại Osaka, Nhật Bản đã chế tạo ra những chiếc mũ bảo hiểm bằng nguyên liệu mới từ vỏ sò và nhựa tái chế.

Koushi - một nhà máy công nghiệp hóa chất nhỏ, đã chọn hướng đi là sản xuất mũ bảo hiểm có tên là Shellmet từ vật liệu là vỏ sò. Vỏ sò sẽ được nghiền mịn thành bột, sau đó được trộn với các loại nhựa tái chế để tạo thành viên nén. Các viên nén này sẽ được nung chảy và được đưa vào khuôn để tạo ra mũ bảo hiểm.

Nếu so sánh mũ bảo hiểm Shellmet với các loại mũ bảo hiểm được làm hoàn toàn từ nhựa, thì có thể giảm được 36% lượng khí thải cacbon ra môi trường.

Ông Nambara Tetsuya - đại diện Công ty Koushi, Osaka (Nhật Bản) - cho biết: "Thực sự chỉ gần đây chúng tôi mới bắt đầu giao hàng. Chúng tôi đã nhận được đơn hàng khoảng 1 năm trước, nhưng phải mất một thời gian để nghiên cứu, sản xuất. Sản phẩm đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi trên Nhật Bản và cả nước ngoài nữa, gần đây một công ty xây dựng của Pháp đang thương lượng để chúng tôi cung cấp mũ bảo hiểm cho họ".

Mũ bảo hiểm tái chế từ vỏ sò - Ảnh 1.

Mũ bảo hiểm Shellmet có thể giảm được 36% lượng khí thải cacbon ra môi trường so với các loại mũ bảo hiểm được làm hoàn toàn từ nhựa.

Mũ bảo hiểm tái chế từ vỏ sò, hiện có có hai loại là dành cho xe đạp có giá 5.000 yên/chiếc (tương đương 850 nghìn đồng) và mũ bảo hiểm phòng hộ công trường, thiên tai có giá khoảng từ 7.000 - 8.000 yên/chiếc (tương đương 1,2 triệu đến 1,36 triệu đồng).

Với tính năng thân thiện môi trường, mũ bảo hiểm Shellmet được chọn làm sản phẩm trình diễn tại triển lãm thế giới (EXPO) vào năm sau tại Osaka, Nhật Bản. Dự kiến có 3.000 chiếc mũ bảo hiểm được sử dụng tại triển lãm.

Tại Nhật Bản mỗi năm có khoảng 500 nghìn tấn vỏ sò bị vứt đi. Nếu không được xử lý tốt, chúng sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm. Các nhà nghiên cứu thuộc đại học Osaka Nhật Bản đã kết hợp bột vỏ sò với nhựa tái chế để tạo thành vật liệu mới có tên là Shelltec có độ bền cao hơn 30% so với nhựa cùng loại và đặc biệt có thể tái chế liên tục.

Nếu so sánh vật liệu mới Shelltec với loại nhựa sinh thái là từ đá vôi, thì vật liệu Shelltec tiết kiệm năng lượng hơn tới 20%, và có thể nghiền nát để tiếp tục tái chế khi hết khấu hao. Vật liệu này cũng được kỳ vọng ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống và thay thế cho các loại nhựa hiện nay.

Tái chế vỏ hàu thành sợi len Tái chế vỏ hàu thành sợi len

VTV.vn - Hàng năm, ước tính có khoảng 6 đến 8 triệu tấn vỏ hàu thải ra đại dương, gây nên sức ép rất lớn cho môi trường biển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước