Hàng năm, băng biển ở Nam Cực co lại tới mức thấp nhất vào cuối tháng 2 - khoảng thời gian tương đương với mùa hè của lục địa, sau đó hình thành trở lại trong mùa đông. Tuy nhiên, năm nay các nhà khoa học đã quan sát được một điều khác biệt đáng lưu ý: băng biển đã không trở lại gần mức dự kiến. Trên thực tế, nó đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ khi được ghi nhận cách đây 45 năm.
Vào giữa tháng 7, băng biển ở Nam Cực thấp hơn 2,6 triệu kilomet vuông (1 triệu dặm vuông) so với mức trung bình của giai đoạn 1981 đến 2010. Lượng này tương đương với một khu vực rộng gần bằng Argentina hoặc các khu vực kết hợp của Texas, California, New Mexico, Arizona, Nevada, Utah và Colorado. Hiện tượng này đã được một số nhà khoa học mô tả là ngoại lệ, rất hiếm khi xảy ra, có khả năng chỉ xảy ra một lần trong hàng triệu năm.
Được biết, sự biến mất của băng tuyết có thể khiến các dải băng ven biển và sông băng tiếp xúc với sóng cùng nước biển ấm, khiến chúng dễ bị tan chảy và vỡ ra. Việc thiếu băng biển cũng có tác động đáng kể đến nhiều loài động vật hoang dã liên quan, bao gồm hải cẩu, chim cánh cụt và các loài nhuyễn thể thức ăn của cá voi trong khu vực.
Các nhà khoa học hiện đang ráo riết tìm ra lý do đằng sau sự thiếu hụt kỷ lục này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!