Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen, món ăn này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng đồi, vùng núi cao.
Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt trâu ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ rồi đem tẩm ướp thịt trâu bằng các loại lá rừng như: họm mát, họm nát, gừng, xả, mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao.
‘ Thịt trâu gác bếp.
Khi thịt đã ngấm gia vị người ta đem xâu thịt thành từng xiên, treo trên những thanh tre được gác ngang qua phía trên của bếp, đốt than củi hun ở dưới cho khói bốc lên hun thịt cho đến khi thịt chín và săn lại. Đó là lý do vì sao món này có tên gọi là thịt trâu gác bếp.
Khói củi ngấm vào từng thớ thịt trâu làm thịt đỏ sậm màu hơn, gia vị càng ngấm vào thịt, vị ngọt của thịt cộng với vị cay, thơm của các gia vị, quyện với mùi khói thơm khiến món ăn càng trở nên đặc biệt. Trước khi ăn, người ta giã miếng thịt trâu gác bếp cho mềm rồi xé nhỏ như khô mực nướng, chấm với nước chấm pha gừng và ớt cay cho thêm đậm đà, ăn kèm với lá ngổ, chiêu thêm một ngụm rượu thì thật khoái khẩu.
‘ Món nộm da trâu
Còn món nộm da trâu thì sao? Trước nay, da trâu thường được biết đến là dùng để làm mặt trống vì đặc tính dày, dẻo và dai của nó. Thế nhưng để chế biến thành món ăn ngon, người Thái đem da trâu đốt sơ qua, sau đó ngâm với nước. Khi da trâu đã mềm, bên ngoài miếng da có màu vàng đậm, bên trong có màu vàng nhạt, nhìn trong trong, người ta dùng dao sắc thái thành những sợi mỏng, sau đó cho vào chảo mỡ đang sôi chiên giòn.
Cuối cùng, người ta trộn da trâu đã chiên cùng với thịt trâu, rau thơm, mùi ta, mùi tàu, lạc rang và nước măng chua (chứ không phải chanh hay giấm), thêm gia vị là đã có món nộm da trâu ngon tuyệt, ai ăn một lần rỗi cũng sẽ nhớ mãi.
Nếu muốn tìm hiểu và thưởng thức hương vị đặc biệt của hai món ăn này, du khách hãy thử một lần đến với Sơn La.