Tuy nhiên, thực tế những sợi bông cây dương không lãng mạn đến như vậy khi cứ 5 người lại có 1 người dân đang phải khổ sở với các triệu chứng dị ứng trong mùa này. Không ít lần chính quyền Moskva tính đến bài toán thay thế hàng loạt cây dương để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Những ngày này, tất cả mọi ngõ ngách ở Moskva đều được phủ đầy một lớp bông trắng xám. Những sợi bông bay khắp nơi, lọt vào mũi, vào mắt, vào miệng người đi đường hoặc có thể chui qua cả những cửa sổ đóng kín trên toà nhà cao tầng. Những người dị ứng rất sợ khoảng thời gian này.
Chị Tachiana - người dân Moskva - nói: "Tuyết mùa hè thường xuất hiện ở Moskva vào tháng 6 nhưng năm nay thời tiết ấm hơn nên nó bay sớm hơn mọi năm. Nhìn sợi bông cây dương bay đầy trời đẹp đấy nhưng rất nhiều người lại khổ sở".
Ông Vladimir - người dân Moskva cho hay: "Ngứa, hắt hơi, sổ mũi - cháu tôi luôn bị dị ứng vào mùa này. Chính xác không phải vì sợi bông, mà vì phấn hoa được phát tán theo chúng trong không khí".
"Tuyết mùa hè" bắt đầu xuất hiện ở Moskva từ năm nào vẫn gây tranh cãi với nhiều nhà sử học. Có ý kiến cho rằng đó là sáng kiến phủ xanh thành phố của Stalin sau chiến tranh. Cũng có người gắn với thời kỳ Khrushev những năm 1960 - 1970, khi quá trình xây dựng các khu dân cư diễn ra ồ ạt, hàng loạt cây dương được trồng như "lá phổi" bảo vệ thành phố.
Bà Nadezhda - người dân Moskva - cho biết: "Loài cây này mọc rất nhanh, đặc biệt là hấp thụ bụi và làm sạch không khí - đó là điểm cộng. Điểm trừ là khi chúng nở hoa thì bay khắp nơi nhưng còn phụ thuộc vào giống cây đực hay là cái".
Vài năm trước, Bác sĩ trưởng Vệ sinh dịch tễ Liên bang Nga - ông Gennady Onishenko, đã đề xuất chặt bỏ cây dương ở Moskva và khuyên những ai có vấn đề về đường hô hấp tốt nhất rời khỏi Nga trong mùa này. Hiện ở Moskva có khoảng 500 cây dương và cuộc chiến với "tuyết mùa hè" còn tiếp diễn.
Chính quyền Moskva từng tính đến bài toán dần thay thế những cây dương đang nở hoa, bằng cách là trồng những cây dương đực thay vì dương cái. Còn hiện tại, những cây dương thuộc "phái yếu" vẫn đủ để rải bông khắp thành phố và người dân thủ đô vẫn chịu đựng sự phiền toái này ít nhất là nửa tháng trong 1 năm.
Mùa lấy nước... bạch dương tại Nga VTV.vn - Nếu những người đi rừng ở Việt Nam không xa lạ với việc tìm nước uống từ những thân cây họ trúc thì ở Nga, thân cây gỗ tưởng khô khan như bạch dương lại là nguồn nước quý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!