Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam: Gieo "duyên lành" sẽ được … "quả ngọt"

PV-Thứ bảy, ngày 07/03/2020 12:02 GMT+7

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam trình diễn trang phục áo dài nam do chính anh thiết kế

VTV.vn - Đó là quan điểm sống và cũng là triết lý kinh doanh mà nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đúc kết được trong hành trình hơn 30 năm chinh phục thị trường áo dài Việt.

Bước chân vào nghề từ năm 16 tuổi nhưng anh thực sự có được thành công khi "kết duyên" với áo dài truyền thống của dân tộc. Với ý tưởng kinh doanh đột phá, sự đam mê và nỗ lực và sự sáng tạo của mình, anh sẽ còn thành công nhiều hơn thế, để mang đến cho đời hoa thơm và trái ngọt.

Nỗ lực trong "vai diễn" mới

Thời gian vừa qua, người ta thấy Đỗ Trịnh Hoài Nam "lấn sân" sang một mảng khác, với vai trò là một diễn giả, nhà đào tạo về kinh doanh thời trang cũng như một nhà đào tạo về thời trang áo dài. Và anh đã bước đầu đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ ở lĩnh vực mới này.

Chia sẻ về "mối lương duyên" với hoạt động mới này, anh cho hay: 30 năm qua anh đã thiết kế rất nhiều bộ sưu tập thời trang, khát vọng cũng như niềm đam mê của anh là có những bộ sưu tập thời trang trên những sàn diễn nổi tiếng quốc tế và thế giới. Điều đó không dễ dàng khi anh làm ra các bộ thời thời trang không có gốc rễ, không có sự bắt đầu. Nhưng khi tìm đến với áo dài, chuyên sâu về mảng cáo dài, đặc biệt là nghiên cứu về những tà áo dài truyền thống, tìm hiểu về những sản phẩm gắn lên nó hay với những chất liệu xử lý trên đó anh mới chạm tới thành công.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam: Gieo duyên lành sẽ được … quả ngọt - Ảnh 1.

Một mẫu áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Nhà thiết kế chia sẻ: "Tại những tuần lễ thời trang thế giới, khi tôi mang giới thiệu những sản phẩm áo dài truyền thống sang bên đó (điển hình như tuần lễ thời trang quốc tế Paris Fashion Week, New York Couture Fashion Week, hay những lễ hội áo dài bên Hàn Quốc), tôi luôn sử dụng áo dài như một sản phẩm văn hóa và tôi kết hợp với yếu tố văn hóa của nước sở tại, hay kết hợp với các yếu tố văn hóa vùng miền và được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Ví dụ: Tôi đưa văn hóa dát vàng từ làng nghề Kiêu Kỵ; Hay văn hóa thêu làng nghề Thường Tín, Mỹ Đức, hoặc làng nghề kim hoàn Gia Lâm vào trang phục, mọi người vô cùng lạ lẫm và yêu thích. Thực tế đó càng khẳng định một điều rằng đưa yếu tố mới vào thời trang là vô cùng quan trọng đối với nghề thiết kế thời trang, đặc biệt là áo dài".

Nhân duyên với nghề đào tạo đã đến khi Đỗ Trịnh Hoài Nam sáng tạo ra chiếc áo dài cách tân theo phương pháp ly vuông. Anh cho biết: Kỹ thuật may ly vuông giúp may dễ hơn, đặc biệt đường cắt giảm bớt đi để không bị cắt vào các họa tiết. Chính vì vậy rất nhiều người muốn anh dạy cho phương pháp này. Lúc đầu, anh chỉ muốn dạy cho vài người học nhưng khi triển khai rất nhiều người có nhu cầu đó nên anh đã nảy ra ý định mở các lớp học để mọi người được tiếp cận với phương pháp mới này. Cũng trong quá trình truyền đạt cho họ, anh mới hiểu rằng nhiều người thợ may chỉ đơn thuần là những người thợ chứ không hề có kiến thức kinh doanh, cũng như rất yếu kiến thức về thiết kế. Chính vì thế, anh lại nghĩ ra những lớp học để có thể truyền đạt cho họ kinh nghiệm về kinh doanh dựa trên những trải nghiệm thực tế của bản thân.

Kết quả đầu ra vượt quá sự mong đợi của anh. Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giúp cho rất nhiều người thay đổi tư duy, vì nếu chỉ yêu nghề, chỉ làm người thợ thôi thì khi họ mở cửa hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình điều hành sản xuất. Trước đây, anh đã từng trải qua quãng thời gian đầy khó khăn đó nhưng sau khi tham dự các khóa đào tạo về CEO hay quản trị kinh doanh, nhất là những khóa học ngắn hạn ở nước ngoài, anh đã ứng dụng và thành công trong công việc. Bởi vậy anh muốn truyền lại những kinh nghiệm, kỹ năng đó cho những người thợ may, với mong muốn họ thay đổi tư duy thay đổi cuộc đời.

"Đây cũng là lý do tôi phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai các dự án, hoạt động về đào tạo, quảng bá áo dài truyền thống của dân tộc. Thông qua các dự án này, tôi mong muốn những người thợ may có cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đặc biệt hơn họ đã, đang và sẽ may lên những chiếc áo dài Việt Nam, quảng bá cho chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong và ngoài nước", Đỗ Trịnh Hoài Nam bộc bạch.

Bên cạnh những buổi đào tạo trực tiếp, anh còn mở những lớp học online miễn phí trên mạng xã hội dành cho các đối tượng ở xa, hoặc không có điều kiện tham dự. Tại các lớp học đó, anh chia sẻ công thức may áo dài, hay chia sẻ những tư duy về thiết kế. Thậm chí, anh còn lập một trang trên YouTube hay trên mạng xã hội để dạy cho mọi người với mong muốn giúp họ thành công, thay đổi cuộc đời mình. "Tôi cũng hy vọng "gieo" cho họ những "hạt" kiến thức để họ có thể sống một cuộc sống tốt hơn, giúp ích hơn cho cộng đồng và xã hội. Qua các lớp học này, anh không chỉ quảng bá văn hóa áo dài, mà còn động viên, khuyến khích những người thợ may thời trang chuyển sang làm áo dài"

Cho đi để… còn mãi

Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng chía sẻ rằng bản thân anh gắn bó với thời trang rất lâu năm, được đào tạo rất nhiều cũng như có nhiều kinh nghiệm và làm ra nhiều sản phẩm đẹp, đạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế từ những năm 2003 - 2004 nhưng cuộc sống của anh vẫn rất khó khăn. Chỉ khi đến với các sản phẩm truyền áo dài thống anh mới chạm đến sự thành công. Thực tế, anh vẫn có thể thiết kế ra những bộ áo dài quảng bá văn hóa truyền thống, nghiên cứu những nét đẹp của nó, sau đó dùng ý tưởng để đưa vào các sản phẩm thời trang. Với phương châm "cho đi", nhà thiết kế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tổ chức những lớp học miễn phí gói gọn trong 2 ngày với rất nhiều kiến thức, kỹ thuật, tư duy về may thời trang, thời trang áo dài dành cho đối tượng thợ may, chủ hàng may, nhà thiết kế không chuyên. Ngoài các lớp học miễn phí, hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Câu lạc bộ Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chuỗi hoạt động quảng bá áo dài Việt Nam, không chỉ gây tầm ảnh hưởng trong nước, mà ở phạm vi quốc tế. Đồng thời khuyến khích những người thợ may chuyên và không chuyên thêm yêu áo dài, tìm hiểu sâu hơn về áo dài và tạo ra những chiếc áo dài đặc sắc ghi đậm dấu ấn khi áo dài Việt Nam trở thành quốc phục.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam: Gieo duyên lành sẽ được … quả ngọt - Ảnh 2.

Để hưởng ứng chuỗi hoạt động chào mừng sự kiện này, trong năm 2020, anh cho biết: Câu lạc bộ Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ tổ chức rất nhiều buổi chia sẻ cũng như dành tặng nhiều phần quà giá trị tặng cho học viên tham gia các khóa học. Tại các lớp học, anh sẽ dành tặng các học viên những mảnh vải áo dài cao cấp mang thương hiệu Đỗ Trịnh Hoài Nam dược thiết kế rất đặc biệt với mong muốn họ có thêm những trải nghiệm trên chính những tấm vải đó.

Không chỉ có vậy, trong sự kiện tổ chức đám cưới tập thể cho những người khuyết tật do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sắp tổ chức tới đây, Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam sẽ tài trợ khoảng 60 cặp đôi 120 bộ áo dài, nhằm tạo cơ hội để những người khuyết tật được trải nghiệm hạnh phúc khi diện trên mình những bộ áo dài cao cấp được do chính anh thiết kế và trao tặng.

Việc làm này mang ý nghĩa xã hội và nhân văn vô cùng lớn. Nó không chỉ thể hiện sự quan tâm của xã hội, cộng đồng đối với những người khuyết tật để họ thêm tự tin, có động lực vươn lên trong cuộc sống, còn chứa đựng biết bao tình cảm và lòng nhân ái bao dung của con người. Hãy cho đi để được còn mãi. Và hãy gieo duyên lành, chắc chắn bạn sẽ có được trái ngọt – đó cũng chính là tâm huyết nhà thiết kế họ Đỗ muốn trao tặng cho cộng đồng, xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước