Nhạc ngũ âm cùng người Khmer đón Tết

Thảo Trà - Thanh Hiếu-Thứ bảy, ngày 01/02/2014 11:15 GMT+7

Đến với miền Tây những ngày đầu năm mới, được nghe người miền Tây chơi nhạc ngũ âm trong những ngôi chùa vàng, mới thấy hết được vẻ đẹp của cái Tết nơi đây. Mang âm hưởng tươi vui và hoàn chỉnh trong tiết tấu, nhạc ngũ âm là một phần không thể thiếu với người Khmer Sóc Trăng trong các dịp lễ hội, đặc biệt là trong những ngày xuân.

Sau màn nghênh tiếp thần linh, đón Phật về trong thời khắc giao thừa, người Khmer bắt đầu chơi ngũ âm để tỏ lòng thành kính với các đấng linh thiêng, cũng là để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa.

Plêng Pưn Piết là cách người Khmer gọi tên dàn nhạc ngũ âm. Gắn liền với các ngôi chùa, dàn nhạc ngũ âm xuất hiện từ thời phong kiến với phong cách triều đình trang trọng. Trải qua thời gian, nhạc ngũ âm trở nên bình dân hơn và là món ăn tinh thần không thể thiếu với người Khmer mỗi mùa lễ hội.

Sư thượng tọa Lâm Tú Linh, Phó trụ trì chùa Mahatup, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Dàn nhạc ngũ âm để phục vụ trong ngày Tết Chol Thnam Thmay và các dịp lễ lạt theo phong tục tập quán của người dân tộc. Trong Tết Chol Thnam Thmay thì tụng kinh rước tri thiên đến năm mới để đón năm mới may mắn. Mấy sư tụng kinh xong rồi cho mấy em đánh nhạc ngũ âm như là thỉnh tri thiên năm mới. Nhạc ngũ âm tiếng sâu sắc lắm, lễ hội nào cũng phải có nhạc ngũ âm này, nó mới sung túc lên. Lễ gì cũng phải có nhạc ngũ âm này, bà con người ta thích”.


Được thiết kế tinh xảo bởi các loài cây có sẵn trong phum sóc như cây thốt nốt, cây tre, gỗ quý; từ kim loại như đồng, sắt; từ da các loại động vật như trâu, bò… dàn nhạc ngũ âm được ví như sản phẩm tổng hòa âm thanh của tự nhiên.

Tuy với tên gọi là Ngũ âm (là 5 loại âm thanh) nhưng trong bộ nhạc ngũ âm lại gồm có 6 nhạc cụ chính: một trống Samphô, hai trống lớn, một Rô Niết Thung (tức đàn thuyền bằng tre), một Rô Niết Ek (đàn thuyền bằng gỗ), một Rô Niết Đek làm bằng sắt, một bộ cồng nhỏ mang tên Khồn Mồn. Ngoài các nhạc cụ trên còn có sự kết hợp với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn hai dây và bộ gõ “chhling”.

Sáu loại nhạc cụ từ tre, gỗ, da, đồng, sắt được người Khmer ở đây định âm chính xác, đảm bảo yếu tố hòa âm trong dàn nhạc. Nó không chỉ thể hiện một cách đặc sắc các giai điệu cổ truyền mà còn diễn tả những tiết tấu dân gian và âm thanh có thể diễn tấu không thua gì những nhạc cụ hiện đại.

Vì thế, người Khmer coi đây là âm nhạc đạt đến trình độ ổn định và hoàn mỹ nhất trong cộng đồng của mình. Đó cũng là lý giải vì sao ngũ âm chỉ được chơi trong lễ Tết, vì đó là thời điểm họ muốn dâng những gì tinh túy nhất trong cộng đồng của mình đến các vị thần linh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước