Nằm trong chuỗi hoạt động trưng bày giữa Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “Trung thu vui ký” không chỉ là một trưng bày nghệ thuật đơn thuần mà còn là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong việc phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với người trẻ, góp phần từng bước đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian văn hóa - sáng tạo đặc biệt tại Hà Nội.
Trưng bày giới thiệu 47 tác phẩm tranh minh họa xuất sắc của các họa sĩ trẻ Việt Nam đang sinh sống và học tập trên khắp thế giới, là nơi quy tụ và lan tỏa những cảm xúc tích cực về lễ hội truyền thống của dân tộc. 47 góc nhìn đa dạng đã mở ra những mùa Tết trông trăng độc bản, đong đầy niềm vui qua nhiều kỷ niệm, câu chuyện và định nghĩa riêng của từng họa sĩ. Các tác phẩm cũng đem đến nhiều góc nhìn thú vị, vui vẻ cho cộng đồng về những trải nghiệm chơi Trung thu thật khác, chơi Trung thu một cách đầy nghệ thuật.
Đại diện các tác giả có tranh trưng bày tại triển lãm, hoạ sĩ Mai Hòa chia sẻ: “Với cá nhân mình, Trung thu khi mình còn là một bạn nhỏ sẽ khác so với Trung thu khi mình lớn lên đi học xa nhà và xa bố mẹ.
Có lẽ do những cảm xúc khác nhau của mỗi người mà triển lãm lần này có rất nhiều góc nhìn đa chiều, đa màu sắc, trong đó có cả nét truyền thống lẫn hiện đại. Mình hy vọng rằng ‘Trung thu vui ký’ sẽ có thể tái hiện những ký ức Trung thu trong lòng mỗi người, cũng như nhắc chúng ta nhớ về nét đẹp truyền thống của người Việt Nam”.
Hoạ sĩ Mai Hoà đại diện các tác giả phát biểu cảm nghĩ
Là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, trưng bày “Trung thu vui ký” sẽ lần lượt dẫn dắt người xem trở về những ký ức tuổi thơ ngọt ngào với lồng đèn, bánh Trung thu và những câu chuyện cổ tích. Đồng thời, sự kiện mở ra nhiều góc nhìn đa dạng về một ngày Tết trăng rằm rộn ràng, khác biệt trong thời kỳ hiện đại.
Mang đến triển lãm tác phẩm “Thuở ấy trăng tròn”, họa sĩ Chung Phạm bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi các bức tranh về Trung thu được đông đảo công chúng đón nhận: “Nguồn cảm hứng để mình thực hiện bức tranh đến từ tình yêu quê hương đất nước, đến từ những giá trị truyền thống xưa cũ. Mình mất khoảng hơn 3 ngày để hoàn thành bức tranh, với mong muốn có thể truyền tải được thông điệp trăng tròn khi chúng ta còn nhỏ và trăng tròn bây giờ khi đã trưởng thành không có gì khác nhau. Trung thu vẫn ấm áp và rực rỡ với hình ảnh những chiếc đèn được trẻ em rước dưới ánh trăng rằm”.
Họa sĩ Chung Phạm bên cạnh tác phẩm “Thuở ấy trăng tròn”
Hoạ sĩ Vương Hồng Thảo với tác phẩm “Trung thu cổ tích” cũng mang tới một góc nhìn mới lạ về đề tài Trung thu: “Mình lựa chọn màu xanh lam làm màu sắc chủ đạo bởi nó gợi cho mình nhớ về những đêm trăng rằm của tuổi thơ khi mọi người quây quần bên nhau kể chuyện cổ tích. Những nhân vật cổ tích cũng từ đó mà lần lượt xuất hiện trong ký ức của mình. Thông qua bức tranh, mình cũng muốn người xem thấy được góc nhìn của mình. Đó là các nhân vật cổ tích trong truyện cũng đang đón Trung thu cùng chúng ta”.
Họa sĩ Vương Hồng Thảo cùng tác phẩm “Trung thu cổ tích”
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 21/09/2024 tại khu Trải nghiệm, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:
Tác phẩm “Trung thu ở Quân khu” của tác giả Lê Đình Lộc
“Nhà máy bánh Trung thu” được tái hiện đầy sáng tạo dưới góc nhìn của tác giả Rant Tuna
Hình ảnh chiếc đèn kéo quân trong “Ký ức Trung thu” của tác giả Duy Tô
Tác giả Phạm Thiên Tín tái hiện hình ảnh đón Tết Trung thu của các quan thời Nguyễn
“Kí ức Trung thu” của tác giả Bùi Khánh Vi là con phố Hàng Mã với vô vàn món đồ chơi
Một góc nhìn đầy mới lạ và sáng tạo của tác giả Phạm Phú Sỹ (Dom) khi game hóa “cuộc chiến” qua tác phẩm “Đậu xanh với Thập cẩm”
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!