Tiến sĩ Shivani Bhalla và cộng đồng người Samburu ở Kenya tham gia vào các hoạt động bảo tồn loài sư tử (Ảnh: Ewaso Lions)
Tiến sĩ Shivani Bhalla và tổ chức bảo tồn loài sư tử
Nhà sinh vật học Shivani Bhalla đang nỗ lực bảo vệ tương lai của quần thể sư tử, vốn đang suy giảm nhanh chóng ở Kenya. Bà là người sáng lập và là Giám đốc Điều hành của Ewaso Lions, một tổ chức bảo tồn được thành lập từ năm 2007, nhằm sử dụng nghiên cứu khoa học và thông qua cách thức tiếp cận cộng đồng để thúc đẩy sự chung sống, chia sẻ môi trường sống hòa bình giữa con người và sư tử. Ewaso Lions là tổ chức duy nhất tập trung vào loài sư tử sống cả bên trong và bên ngoài 3 khu bảo tồn quốc gia (Samburu, Buffalo Springs, Shaba) và 11 khu bảo tồn cộng đồng ở miền Bắc Kenya.
Theo thống kê, hiện nay, Kenya có chưa đến 2.000 con sư tử và chúng có thể biến mất trong vòng hai thập kỷ tới nếu tình trạng môi trường sống của chúng bị suy giảm và xung đột với con người vẫn tiếp diễn. Sa mạc hóa đã làm trầm trọng, khoét sâu thêm cuộc xung đột. Đói khát và tuyệt vọng với việc săn mồi trên đồng cỏ héo úa, kiệt quệ, sư tử đã chuyển hướng sang tấn công gia súc của những người nông dân địa phương thuộc cộng đồng người Samburu - những người vốn coi gia súc là biểu hiện của sự giàu có, thịnh vượng. Các chương trình tiếp cận cộng đồng sáng tạo của Ewaso Lions có sự tham gia của cả phụ nữ và trẻ em, hướng tới thúc đẩy sự hỗ trợ của địa phương cho công tác bảo tồn, giải quyết xung đột gay gắt giữa người và sư tử.
Một số hoạt động nổi bật của Ewaso Lions là Mama Simba, có nghĩa là "Mẹ của Sư tử" trong tiếng Kiswahili - trao quyền cho phụ nữ Samburu thông qua giáo dục, đào tạo bảo tồn, quản lý môi trường và cung cấp thu nhập sinh kế thay thế. Trại hè Lion Kids với chương trình giảng dạy được thiết kế chi tiết để dạy trẻ em về giá trị và tầm quan trọng của sư tử, động vật ăn thịt lớn và các loài động vật hoang dã khác; mối đe dọa đối với sự sống còn của chúng và các biện pháp mà cộng đồng có thể áp dụng để thúc đẩy sự chung sống hòa bình. Warrior Watch là dự án chủ chốt của Ewaso Lions được xây dựng dựa trên vai trò bảo vệ truyền thống của các “chiến binh” bằng cách giảm thiểu xung đột giữa con người và động vật ăn thịt. Các “chiến binh” hoạt động như một mạng lưới trên nhiều cộng đồng, thông báo cho những người chăn nuôi về sự hiện diện của sư tử để họ có thể tránh xa một số khu vực nhất định, ngăn chặn tình trạng phá hoại.
Tiến sĩ Shivani Bhalla (Ảnh Jacques van der Westhuizen)
Tiến sĩ Shivani Bhalla đã vinh dự được trao Giải thưởng Whitley vào các năm 2014 và 2023. Giải thưởng danh giá này tôn vinh cam kết không ngừng nghỉ của bà đối với công tác bảo tồn sư tử và công nhận bà là một anh hùng môi trường địa phương. Theo Giải thưởng Whitley, Ewaso Lions đã giám sát sự gia tăng của quần thể sư tử địa phương và ghi nhận số sư tử đã tăng lên hơn 50 cá thể vào năm 2022 so với 11 cá thể vào thời điểm trước năm 2008.
Suzanne Simard - người lắng nghe tiếng nói của các loài cây
Suzanne Simard là một nhà sinh thái học, người đã dành rất nhiều thời gian để khám phá những cuộc trò chuyện phức tạp giữa các loài cây, một khám phá có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà đã phát hiện ra rằng, ẩn sâu bên dưới lớp đất rừng, cây cối giao tiếp với nhau thông qua mạng lưới nấm rễ rộng lớn, sử dụng các dạng sống cộng sinh này để chia sẻ chất dinh dưỡng và thậm chí truyền đạt thông tin về các mối đe dọa như bệnh tật và hạn hán.
Theo tờ Time, Suzanne Simard đã xuất bản hơn 200 bài báo và trình bày tại các hội nghị trên khắp thế giới, bao gồm bài diễn thuyết nổi tiếng trên TED của bà về Cây cối nói chuyện với nhau như thế nào? Những hiểu biết, khám phá của bà về khả năng giao tiếp của cây cối không chỉ thúc đẩy sự hiểu biết khoa học mà còn khơi dậy một cuộc trò chuyện rộng hơn về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.
Suzanne Simard (Ảnh NYMag)
Trong một thế giới khao khát các giải pháp về khí hậu, công trình của Suzanne Simard chứng minh rằng các giải pháp mà chúng ta tìm kiếm có thể nằm ở chính gốc rễ của thiên nhiên với mạng lưới được đặt tên là Wood Wide Web. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, trong hệ sinh thái rừng, có những thực thể đóng vai trò then chốt được gọi là Cây Mẹ, rất cần được bảo vệ. Bởi Cây Mẹ đóng vai trò là các nút trung tâm cho mạng lưới nấm rễ ngầm rộng lớn, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển.
Tiến sĩ Sylvia Earle - Cả cuộc đời gắn bó với đại dương
Tiến sĩ Sylvia Earle (Ảnh NatGeo) là người đi đầu trong công cuộc bảo vệ và phục hồi những đại dương trên hành tinh. Hiện nay, ở tuổi 89, bà vẫn miệt mài theo đuổi sứ mệnh, con đường mà mình đam mê từ khi còn nhỏ, được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu tình yêu với thiên nhiên, với biển cả.
Sylvia Earle (Ảnh: Alex de Brabant)
Là một nhà sinh vật học biển, nhà hải dương học, tác giả, diễn giả và nhà thám hiểm thường trú của National Geographic từ năm 1998, Tiến sĩ Sylvia Earle đã tiên phong trong nhiều nghiên cứu mang tính đột phá, truyền cảm hứng cho các thế hệ. Bà đã dành hơn 7.000 giờ lặn dưới nước, có được hơn 100 danh hiệu và giải thưởng cho các công trình nghiên cứu của mình. Sylvia Earle cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ) và là người đầu tiên dẫn đầu một đoàn thám hiểm toàn nữ khám phá đại dương vào năm 1970, khi lĩnh vực này vẫn do nam giới thống trị. Theo tờ Atmos, ít ai có thể thấu hiểu được những thách thức mà đại dương phải đối mặt như Sylvia Earle, người đã tận mắt chứng kiến quá nhiều đổi thay trong suốt sự nghiệp lặn kéo dài hàng thập kỷ của mình. Trong hành trình theo đuổi kiến thức không ngừng nghỉ, bà đã lập kỷ lục khi là người phụ nữ xuống tới độ sâu 381m không cần dây trong một lần lặn biển ngoài khơi Oahu (Hawaii, Mỹ).
Sylvia Earle (Ảnh: NatGeo)
Cùng với chồng, một kỹ sư và chuyên gia thiết kế tàu ngầm, Tiến sĩ Sylvia Earle đã đồng sáng lập Deep Ocean Engineering vào năm 1982. Doanh nghiệp có tầm nhìn cách mạng hóa thiết kế và vận hành các hệ thống robot dưới nước. Với một đội ngũ tận tụy, họ bắt đầu hành trình vượt qua ranh giới của hoạt động thám hiểm dưới nước.
Mặc dù tham gia sâu vào việc phát triển công nghệ, nhưng niềm đam mê không ngừng nghỉ của Tiến sĩ Sylvia Earle đối với việc bảo tồn môi trường đã khiến bà có một sự thay đổi đáng kể trong sự nghiệp. Bà đã thành lập Mission Blue vào năm 2009, một liên minh toàn cầu dành riêng cho việc thành lập các khu bảo tồn biển được gọi là "Hope Spot". Những khu vực này rất quan trọng đối với sức khỏe và sự cân bằng của hệ sinh thái đại dương, là nơi sinh sống của nhiều loài và môi trường sống độc đáo. Cùng với mạng lưới đối tác, Mission Blue đã thành lập 153 Hope Spot trên toàn thế giới. Những thành tựu của Sylvia Earle đã khẳng định vị thế của bà như một nhà khoa học nổi tiếng và truyền cảm hứng cho rất nhiều người tìm hiểu, bảo vệ đại dương vì một tương lai bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!