Trong mỗi chuyến đưa đoàn ra công tác tại quần đảo Trường Sa, trên tàu luôn có một tổ phục vụ để nấu các bữa ăn ngon cho đại biểu, đảm bảo sức khỏe cho đoàn, góp phần vào thành công của chuyến công tác.
Chuyến công tác và thăm các cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa lần này của con tàu KN-290 có hơn 200 người gồm các đại biểu TP.HCM, cán bộ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, thủy thủ, người phục vụ... Để mỗi bữa phục vụ hơn 200 suất ăn đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh cho đoàn trong hành trình 10 ngày không phải chuyện đơn giản.
Để chuẩn bị đủ 4 bữa ăn trong một ngày cho đoàn công tác, tổ phục vụ gồm 18 người hàng ngày phải thức khuya, dậy sớm, phục vụ cho mấy trăm người và phải làm việc liên tục trong 10 ngày trên biển.
Tổ phục vụ dậy từ 3h sáng để chuẩn bị bữa sáng cho đoàn.
Anh em trong tổ phục vụ phải dậy từ 3 giờ sáng để phục vụ được bữa ăn đầu tiên trong ngày. Sau đó, trong thời gian đoàn công tác ra thăm đảo, họ sẽ bắt tay vào nấu bữa trưa và đến 1h30 chiều lại chuẩn bị ăn tối, và ngày ngày phải đến 12h đêm mới dọn dẹp xong.
18 người này vốn chẳng phải là những tay bếp chuyên nghiệp, mà do được tăng cường vào đội phục vụ đoàn đại biểu TP.HCM - đoàn công tác số 4. Trong số này, có những người là lính quân y, người làm máy, cơ điện, thông tin từ các tàu khác nhau. Họ được cử đi, bởi vì biết nấu ăn, có sức khỏe, chịu sóng gió tốt, làm việc chăm chỉ.
Bếp trưởng Trần Tuấn Anh.
Thiếu tá Trần Tuấn Anh, tàu 956, Lữ đoàn 125, đảm nhiệm phụ trách bếp trưởng của chuyến công tác số 4 cho biết: 18 người trong tổ phục vụ làm các công việc khác nhau, ở các đơn vị khác nhau nhưng khi được điều đi tăng cường phục vụ đoàn công tác, ai cũng làm việc có trách nhiệm, hết sức mình. Tiêu chí đầu tiên và quan trọng của các bữa ăn là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo các bữa ăn đúng giờ cho đoàn, từ 6h sáng, 11h trưa, 6h chiều và 9h ăn khuya.
Trước khi đi công tác, đã có một thực đơn được lên sẵn cho các ngày trên biển, tổ phục vụ sẽ căn cứ vào đó để nấu. Tuy nhiên, khi ra ngoài biển, thực đơn sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh, cố gắng hợp khẩu vị với các đại biểu. Đặc biệt, nếu trong đoàn có người say sóng, say nắng, thì chế độ ăn sẽ thay đổi, có thêm những món đồ khô, ít dầu mỡ như cơm nắm, muối vừng, cháo giúp mọi người có thể ăn được dễ dàng. Và ngoài việc chuẩn bị các bữa ăn cho đoàn, tổ phục vụ cũng nấu cả những món ăn dành cho người ăn kiêng và ăn chay.
Bàn ăn dành cho những đại biểu ăn chay.
Trong tổ phục vụ, lần đầu tiên đi tàu KN-290, anh Mai Đức Phong hiện công tác tại tàu Trường Sa 04, Hải đội 1, Lữ đoàn 125 chia sẻ: Nghề nấu ăn chỉ là nghề tay trái. Chỉ huy chọn những người có sức khỏe tốt, chịu sóng tốt, nhanh nhẹn, có năng khiếu nấu ăn, để có thể đáp ứng được công việc, phục vụ đông người trong khoảng thời gian liên tục. Đi biển phải khỏe và nhanh nhẹn mới có thể làm được việc. Bên cạnh đó, ngoài quen việc ra thì cũng phải là những người rất yêu biển.
Mỗi người một việc, cố gắng mang lại những bữa ăn ngon cho đoàn công tác.
Bữa ăn khuya thường là các món như cháo, chè.
Công việc dù vất vả, nhưng các anh vẫn cho rằng, các chiến sĩ hải đảo còn vất vả hơn nhiều và công việc phục vụ của các anh vẫn chẳng thấm tháp gì. Trong 10 ngày trên biển, tổ phục vụ luôn cố gắng mang lại những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe cho cả đoàn công tác. Họ luôn phục vụ nhiệt tình, chu đáo nhất có thể, dù họ vốn không phải là những "người phục vụ" chuyên nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!