Những nông dân làm... kèn Tây

Bài, ảnh: Nguyễn Hoa-Thứ bảy, ngày 25/05/2024 05:27 GMT+7

VTV.vn - Làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ lâu đã nức tiếng với nghề làm thủ công và sửa chữa kèn đồng, hay còn gọi là "nghề làm kèn Tây".

Nông dân thích nhạc khí "trời Tây"

Những năm gần đây, nhiều người lần đầu có dịp ghé thăm xã Hải Minh không khỏi choáng ngợp trước những ngôi nhà bề thế. Người Hải Minh giỏi làm kinh tế với nghề chính là sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ đồng, đồ cổ… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những chiếc kèn đồng hay được gọi với cái tên kèn Tây, được làm từ những nghệ nhân ở Phạm Pháo.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 1.

Gắn bó với kèn đồng do nước ngoài sản xuất lâu dần khiến người dân Phạm Pháo (Nam Định) tự mày mò học sửa, làm kèn đồng.

Theo thống kê sơ bộ, hiện làng Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý, 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công.

Hàng ngày, người Phạm Pháo là những nông dân, với cuộc sống dày dạn sương gió, đôi bàn tay nhuốm vàng vì nghề làm ruộng trên đất mặn, nơi được gọi là quê biển quê lúa. Tuy nhiên, mỗi khi lễ hội trong xứ đạo diễn ra, những người chân lấm, tay bùn ấy lại biến hóa thành những nghệ sĩ thổi kèn Tây điêu luyện không kém cạnh những đội kèn chuyên nghiệp.

Người quê ta làm kèn xứ tây

Người dân Phạm Pháo biết đến chiếc kèn Tây từ đầu thế kỷ 16, khi đạo Công giáo bắt đầu được du nhập. Vào năm 1908, khi giáo phận địa phương xây dựng ngôi Thánh đường Phạm Pháo, làng đã có một đội kèn Tây để phục vụ trong các nghi lễ tôn giáo tại thánh đường này. Từ đó đến nay, các đội kèn Tây ở địa phương này đã được duy trì, không chỉ tham gia trong lễ phục tại nhà thờ mà còn trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày, hòa quyện vào mỗi nếp nhà, trong từng con người.

Kèn Tây du nhập làng Phạm Pháo từ lâu là vậy, nhưng phải đến những năm 1950 thì cụ Nguyễn Văn Biên, thân sinh nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, mới bắt đầu đặt nền móng cho nghề sửa chữa kèn. Với niềm đam mê với những âm thanh mạnh mẽ, hùng vĩ, vừa trầm ấm vừa êm dịu, ông Cường từ nhỏ đã học theo nghề của cha, đồng thời tự mày mò "vọc" kèn. Khi chính thức tiếp quản xưởng kèn từ cụ Biên để lại, ông Cường không chỉ chuyên sửa chữa mà còn tự mình chế tạo kèn để bán đi khắp nơi. Hiện nay, ông là một trong số ít những nghệ nhân có tiếng trong việc chế tác và sửa chữa kèn Tây tại Việt Nam.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 2.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường - nghệ nhân kèn tây có 1-0-2 ở Việt Nam: Bán kèn tiền triệu, sửa chỉ lấy vài chục ngàn.

Điểm đặc biệt tạo nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công, mà không cần sự hỗ trợ từ các thiết bị máy móc hiện đại. Trong quá trình sản xuất các loại kèn, những thợ làng Phạm Pháo chỉ cần sử dụng máy cán đồng và máy hàn, đủ để tạo ra những chiếc kèn một thời được du nhập từ phương Tây.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 3.

Loa kèn được đặt lên ống sắt tròn tự chế rồi gõ cho đến vành miệng tròn đều, được cô Hằng tỉ mỉ làm.

Đối với những chiếc kèn đồng lớn, người thợ tại làng Phạm Pháo phải sử dụng máy tiện và máy uốn thủy lực để định hình cho các chi tiết. Tuy nhiên, các công đoạn như đánh bóng và tạo âm vẫn đòi hỏi sự tỉ mẩn và tinh tế của người thợ làm kèn.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 4.

Không chỉ những nghệ nhân lành nghề sản xuất, sửa chữa kèn mà vợ và con của họ cũng cùng tham gia.

Các gia đình ở Phạm Pháo có thể làm đến làm đến 40 loại kèn, nhưng được đặt nhiều thì chỉ có 15 loại, như Clarinet, Saxophone, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas…, đặc biệt chiếc Helicon cho âm trầm thật đáng nể. Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh bởi người thợ kèn Phạm Pháo là những kỹ thuật viên thành thục, có thể bảo đảm tất cả các yêu cầu của kèn một cách chuẩn xác.

Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 5.

Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.

Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất vẫn là chế tạo quả pháo và bộ phím, nó đòi hỏi người thợ ngoài đôi tay tài hoa còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là đôi tai phải có độ thẩm âm tinh tế để nắm bắt được các biến tấu của thanh âm.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Duy Đông, Trại Đáy, làng Phạm Pháo chia sẻ: "Với sự phát triển và biến động của thị trường, người làm kèn Phạm Pháo không chỉ sản xuất kèn đồng như trước nữa, mà họ còn làm thêm việc “chữa bệnh" cho những chiếc kèn từ khắp các nơi trên cả nước. Cũng bởi vậy, nghề kèn càng có thêm chỗ đứng để phát triển."

Ưu điểm của kèn đồng làng Phạm Pháo nói riêng và thành Nam nói chung là giá cả rất dễ chịu, thường chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với kèn nhập ngoại, cụ thể như chiếc Helicon cao đến 1,8m cho âm trầm thật hoành tráng chỉ có giá từ hơn 20 triệu đồng, trong khi giá đến 60 triệu đồng nếu nhập từ các nước châu Âu…

Ông Nguyễn Văn Cường, 67 tuổi là truyền nhân thứ 2 trong gia đình làm nghề kèn đồng cho biết: “Trước đây ông sản xuất hầu hết các loại kèn, nhưng hiện nay xưởng kèn của ông chủ yếu sửa kèn, hoặc sản xuất những chiếc kèn rất to, loại kèn có giá thành rất đắt trên thế giới và không dễ mua, vận chuyển về nước. Những chiếc kèn nhỏ trên thị trường bây giờ chủ yếu là hàng Trung Quốc với giá rất rẻ, mà nếu gia công thì những cơ sở sản xuất như của ông không thể nào thu hồi được vốn.”

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 7.

Trước kia đồng được lấy từ vỏ đạn, mâm đồng, nhiều thợ thủ công trong làng dễ dàng làm các công việc như bảo dưỡng, chế tác bộ phận kèn.…Một năm sản xuất được 10-20 cái, ngày nay nguyên vật liệu làm kèn sẵn có nên không mất công và vất vả, ông Cường chia sẻ thêm.

Mặt khác các nghệ nhân làng kèn vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm, do hầu hết sản phẩm của làng nghề này được bán cho các đội kèn mới thành lập hoặc các đội kèn đang tìm kiếm nâng cấp quy mô. Điều này đặc biệt đúng khi mỗi chiếc kèn có thể sử dụng được hàng chục năm mà không cần thay thế. Tuy nhiên, dù gặp phải những khó khăn này, người dân Phạm Pháo vẫn không ngừng đam mê với nghề làm kèn. Với họ, những chiếc kèn với âm thanh réo rắt, như một sự mê hoặc đã ngấm vào máu thịt và tâm hồn từ thuở nào…

"Ngọn lửa" giữ nghề

Làm kèn đồng và thổi kèn đồng đã trở thành nét đẹp truyền thống ngấm vào máu thịt người làng Phạm Pháo. Không chỉ vang lên trong nhà thờ, tiếng kèn của người Phạm Pháo lâu nay còn hòa điệu trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trong và ngoài tỉnh Nam Định.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 8.

Dù nghề có nhiều thay đổi do nhu cầu của thị trường nhưng lửa nghề vẫn đỏ trong mỗi xưởng kèn.

Tại Phạm Pháo, từ trẻ con đến người lớn tuổi, ai cũng xem kèn Tây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Chả thế mà ngay từ bé, trẻ con Phạm Pháo đã được làm quen với kèn và còn được bố mẹ bỏ rất nhiều tiền để mua kèn… Thông thường thanh niên ở Phạm Pháo được tiếp xúc với kèn khi lên 12-13 tuổi, nhờ vậy mà hầu như nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi kèn Tây thành thạo.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 9.

Con trai cả của xưởng kèn Hằng Hưởng đã theo học 7 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia đã vận dụng những kỹ thuật, máy móc hiện đại để phục vụ công việc được tiên tiến hơn.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 10.

Các gia đình may mắn đều được các con tiếp nối và sống với đam mê của cha ông ngay từ khi còn nhỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Khoát, nhạc trưởng giáo Trại Đáy, người chuyên tổ chức, chỉ huy các đội kèn ở địa phương cho biết, người dân các xứ đạo Hải Minh cả nam lẫn nữ đều biết thổi kèn Tây, đánh trống, chơi nhạc dây từ bé. Hiện tại, cả xã có hơn 10 hội kèn với khoảng hơn 1.000 cây kèn các loại, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người.

Tiếng kèn như ngọn lửa hun đúc tình yêu của người Phạm Pháo với nghề làm kèn. Nó nuôi dưỡng và lan tỏa những tâm hồn nghệ sĩ - những người nông dân mộc mạc, giản dị nhưng đầy tinh tế và lãng mạn.

Những nông dân làm... kèn Tây - Ảnh 12.

Ngoài duy trì thu nhập, gia tài về những chiếc kèn đủ thể loại còn là điểm du lịch thu hút đông đảo lượng khách du lịch mỗi khi có dịch ghé qua Nam Định.

Một làng quê thuần nông như Phạm Pháo, người dân lại có một tinh thần say mê nghệ thuật kèn đồng đến mức lạ lùng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là họ không chỉ sản xuất ra những chiếc kèn đồng, mà còn sử dụng chúng như những nghệ sĩ. Với tình yêu và niềm đam mê dành cho nghệ thuật, tiếng kèn của những nghệ sĩ chân đất tại làng Phạm Pháo không chỉ làm phong phú cuộc sống, mà còn là cánh cửa mở ra cho những ước mơ và là âm điệu nhẹ nhàng lắng đọng trong lòng mỗi người, khẽ khàng làm lay động mọi tâm hồn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước