Hóa thạch của loài ốc sên đất mới có niên đại khoảng 99 triệu năm đã được phát hiện bị mắc kẹt trong một mỏ hổ phách tại Myanmar. Theo các nhà nghiên cứu, đây cũng là hóa thạch ốc sên có niên đại lâu đời nhất được tìm thấy từ trước đến nay. Đặc biệt, hóa thạch ốc sên này bị vướng vào nhựa hổ phách trong khi đang sinh sản, 5 cá thể ốc sên non vừa chào đời cũng đã bị vướng vào dung dịch hổ phách cùng mẹ của chúng. Đây là một trường hợp vô cùng hiếm thấy, cung cấp thông tin quan trọng cho việc nghiên cứu về quá trình tiến hóa của loài này.
Qua việc phân tích ảnh chụp CT với độ phân giải cao, các nhà nghiên cứu đã tìm ra loài ốc sên này thuộc họ cyclopoid, có kích thước nhỏ với đường kính vỏ chỉ khoảng 1,27cm. Dựa vào hiện trạng đặc biệt của hóa thạch, họ cũng quyết định đặt tên cho chúng là Cretatortulosa gignens (có nghĩa là “sinh nở”).
Nhà sinh vật học tiến hóa Adrienne Jochum thuộc Viện Nghiên cứu Senckenberg và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Frankfurt cho biết: “Những con ốc sên non gần như bị bao trùm bởi nhựa hổ phách ngay từ khi được sinh ra vào 99 triệu năm về trước và giữ nguyên trạng thái đó cho đến tận ngày nay. Đây là một điều vô cùng thần kỳ”.
Ông cũng giải thích thêm: “Hiện trạng của những chú ốc sên cho thấy, so với những loài ốc sên đẻ trứng, loài Cretatortulosa gignens đã tiến hóa để sinh con với kích thước nhỏ và số lượng ít hơn. Điều này có thể tăng khả năng sinh tồn của chúng trong các khu rừng nhiệt đới thuộc kỷ Phấn trắng”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!