Mới đây, các nhà khoa học đã xác định được loài bò sát có kích thước nhỏ bé nhất từng được biết đến trên Trái Đất. Bên cạnh đó, đội ngũ khoa học này cũng đưa ra cảnh báo rằng sự tồn tại của chính loài động vật này đang bị đe dọa bởi tình trạng tàn phá rừng liên tục ở phía bắc Madagascar.
Loài động vật đáng chú ý này nhỏ đến mức có thể thoải mái yên vị trên đầu ngón tay người. Chúng là một loài tắc kè hoa siêu “nhỏ gọn” được đặt tên là Brookesia nana, có tỷ lệ và diện mạo tương đồng với những người anh em họ lớn hơn của mình trên khắp thế giới.
Ông Frank Glaw, người phụ trách khoa động vật học tại The Bavarian State Collection of Zoology chia sẻ, đội ngũ của ông đã tìm thấy Brookesia nana ở vùng núi phía bắc Madagascar. Một cuộc thám hiểm chung vào năm 2012 của các nhà khoa học Đức và Malagasy đã vô tình phát hiện ra 2 cá thể tắc kè này, gồm một con đực và một con cái, mà không hề nhận ra trong một thời gian dài rằng chúng đã là tắc kè trưởng thành.
Ông cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng trong cơ thể con cái có chứa trứng, và con đực có bộ phận sinh dục lớn. Vì vậy nên rõ ràng chúng đã trưởng thành. Trong kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học cho biết rằng bộ phận sinh dục của loài tắc kè này lớn khác thường, chiếm gần 20% kích thước cơ thể.
Cơ thể của con đực có kích thước bằng một hạt đậu phộng, vào khoảng 13,5mm, cộng với phần đuôi dài thêm 9mm. Trong khi đó, con cái đạt chiều dài 29mm kể từ mũi đến đầu đuôi. Cặp đôi cá thể này cho đến nay vẫn là 2 “mẫu vật” sống duy nhất được tìm thấy của loài tắc kè hoa tí hon trên.
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho kích thước khiêm tốn đến mức ngạc nhiên của loài động vật này. Tuy vậy, có một điều mà họ khá chắc chắn đó là chúng đang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, kể cả khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), vốn là tổ chức chịu trách nhiệm cho Sách Đỏ, vẫn chưa đưa ra đánh giá chính thức.
Ông Glaw cho biết: “Mối đe dọa lớn nhất đối với các loài lưỡng cư và bò sát ở Madagascar là vấn đề môi trường sống bị tàn phá. Trong tương lai, biến đổi khí hậu có thể sẽ là vấn đề lớn, thế nhưng hiện tại điều đáng quan tâm là nạn phá rừng”. Kể từ giữa thế kỷ 20, Madagascar đã mất khoảng 45% diện tích rừng che phủ.
Loài B. nana và một chủng con tắc kè hoa nhỏ khác (Brookesia micra) được Glaw và đồng nghiệp phát hiện trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Madagascar đặc biệt dễ bị tổn hại hơn vì phạm vi sống của chúng quá nhỏ. Glaw nói: “Brookesia micra sống trên diện tích rộng đến chưa đầy hai km vuông. Một sự kiện thảm khốc lớn, chẳng hạn như cháy rừng, có thể khiến số lượng cá thể giảm sút cực kỳ nhanh chóng”.
Madagascar vốn là một trong những "điểm nóng đa dạng sinh học" toàn cầu. Đây là môi trường sống của 5% các loài động thực vật độc đáo trên thế giới. Bên cạnh đó, quốc đảo này cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ đói nghèo cao nhất trên thế giới, thiếu thốn các nguồn lực để bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!