Nguyên nhân của rôm sảy, mẩn ngứa?
Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng bức, trẻ hay vận động ra mồ hôi nhiều, thêm vào đó tuyến mồ hôi ở trẻ chưa hoàn thiện nên không thoát được hết và bị ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da của trẻ. Khi ống bài tiết bị bít bởi mồ hôi và bụi bẩn sẽ khiến da nổi lên những mụn mẩn hay gọi là rôm sảy. Những sẩn nhỏ này mọc thành từng đám và thường xuất hiện ở những vùng da có nhiều mồ hôi, chẳng hạn như: trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể…
Đặc biệt với trẻ em, do sức đề kháng còn yếu, làn da mềm mỏng, trẻ lại thường đùa nghịch nên ra mồ hôi nhiều hơn, dẫn tới tỷ lệ mắc các bệnh về da vào thời điểm đầu hè trở đi rất cao, bệnh gia tăng nhiều nhất là viêm da tiếp xúc dị ứng do ánh sáng và dị ứng côn trùng, rôm sảy, thường gặp ở trẻ 3-4 tuổi, bởi ở độ tuổi này trẻ chưa có ý thức giữ gìn da, thường cào gãi nhiều, làm tăng tổn thương da…
Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng này sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển biến thành mụn mủ và nhọt, chủ yếu là ở các trẻ không được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng. Đây là bệnh tuy không nguy hiểm, đa số có thể điều trị tại nhà, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến một vài biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, nấm, nặng hơn có thể dẫn tới một số biến chứng toàn thân như viêm cầu thận do nhiễm khuẩn ở da (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm).
Đáng chú ý, rất nhiều phụ huynh, nhất là các phụ huynh sinh con đầu chưa có nhiều kinh nghiệm thường hay mắc sai lầm trong cách chăm sóc, điều trị bệnh viêm da, rôm sảy cho trẻ nhỏ.
Chẳng hạn, vào mùa hè, việc quấn tã, lót, bỉm hàng ngày làm cho trẻ có nguy cơ mắc rôm sảy cao hơn do mồ hôi tiết ra không thoát ra được, ngoài ra có thể làm trẻ dễ mắc các bệnh như viêm kẽ do nấm, do vi khuẩn.
Những sai lầm thường gặp khi điều trị rôm cho trẻ?
Rất nhiều phụ huynh sai lầm trong cách điều trị rôm sảy cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm các loại lá cây theo truyền miệng mà không tìm hiểu đầy đủ, nhất là ở trẻ sơ sinh. Cùng đó, nhiều bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi cho trẻ nhưng không có sự tư vấn, chỉ định cụ thể của bác sĩ. Hiện nay có rất nhiều các loại thuốc, kem bôi có thành phần corticoid hàm lượng cao, khi dùng bôi có thể thấy tác dụng nhanh, triệu chứng giảm ngay lập tức nhưng các thuốc này có thể gây biến chứng, nếu sử dụng bôi kéo dài có thể gây nhiễm trùng, giãn mạch da, biểu hiện nhìn rõ các mạch máu nhỏ, cảm giác da mỏng hơn rất nhiều…
Không nên bôi phấn rôm cho trẻ để điều trị rôm sảy bởi việc này càng khiến tình trạng dính trên bề mặt da nhiều hơn, khiến trẻ càng dễ bị "bí da", dễ bị viêm da hơn.
Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều người lớn khi thấy trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt thường gãi hoặc nặn, "giết" rôm cho nhau. Việc này làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng "cái sảy nảy cái ung", nặng hơn nữa trẻ có thể bị biến chứng viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng…
Phải làm gì khi trẻ bị rôm sảy mụn nhọt?
Các bác sĩ da liễu khuyến cáo, khi trẻ bị rôm sảy, mụn nhọt do nắng nóng đầu hè, người lớn không nên massage cho trẻ, đặc biệt là sử dụng các loại tinh dầu vì có thể làm bít kín lỗ chân lông, khiến tình trạng của trẻ nặng thêm; không sử dụng sữa tắm người lớn để tắm cho trẻ vì trong sữa tắm người lớn thường có hàm lượng chất tẩy rửa cao, trong khi da trẻ còn non, dễ khiến trẻ bị kích ứng thêm; không nên gãi, hay giết rôm; cho trẻ mặc quần áo mát mẻ, thoáng khí; cho trẻ chơi đùa ở nơi thông gió, hạn chế tiết ra mồ hôi; tắm thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch, cũng có thể dùng một số loại lá, quả để tắm cho trẻ như mướp đắng, rau má, sài đất.... Tuy nhiên nên chọn những loại lá có sẵn trong vườn nhà cho an toàn vì các loại lá bây giờ có hàm lượng phân bón và thuốc trừ sâu cao dễ gây nguy hiểm cho làn da mỏng manh của bé.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!