Với bí quyết kỹ thuật, cái tâm của người dân làm nghề, miến dong xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình được nhiều người biết đến và đánh giá ngon có tiếng. Người dân nơi đây có câu: “Muốn biết miến ngon thì về Đông Thọ”, hay “Về Đông Thọ mà đọ miến ngon”.
Phơi nắng vẫn là cách làm khô miến tự nhiên ở xã Đông Thọ.
Đến làng nghề những ngày cuối năm, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang tất bật với các công đoạn sản xuất. Dọc đường làng, sân vận động, cánh đồng… đâu đâu cũng có người phơi miến.
Trên con đường làng xe máy bốc xếp hàng.
Tại cơ sở sản xuất miến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, hàng chục nhân công phải làm việc liên tục từ sáng đến tối để kịp trả đơn cho khách.
“Các công đoạn sản xuất miến phải làm liên tục, chính xác, phải ít nhất 2-3 người cùng làm mới có thể hoàn thành. Năm nay thời tiết rét muộn hơn mọi năm, nắng nhiều hơn mưa nên việc phơi miến gặp nhiều thuận lợi. Nhiều hộ cũng đã sản xuất được lượng hàng dự trữ lớn để cung ứng cho thị trường phục vụ Tết”, ông Hùng nói.
Những người thợ phơi miến phải hoạt động chân tay liên tục, không được nghỉ ngơi.
Tương tự, tại cơ sở sản xuất miến của chị Phạm Thị Thúy Liễu, với 1 máy tráng và 3 máy thái, mỗi ngày sản xuất khoảng 1,5 tấn miến để cung ứng ra thị trường.
“Hầu hết quy trình sản xuất miến từ nguyên liệu thô đến thành phẩm đều làm thủ công. Một số công đoạn như cắt miến thành sợi, trộn bột dong sẽ có thêm máy móc hỗ trợ để giảm sức người và tăng độ chính xác cho thành phẩm. Vào vụ Tết, các đơn hàng tăng cao, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công mới làm kịp. Tuy nhiên, những công đoạn chính đều tự tay tôi kiểm duyệt, theo dõi sát sao để đảm bảo chất lượng đầu ra đồng đều nhất”, chị Liễu nói.
Mọi công đoạn đều được làm kỹ càng, tỉ mỉ với bàn tay lão luyện.
Trong quá trình sản xuất miến, mỗi hộ có bí quyết riêng nhưng vẫn phải đảm bảo sự thơm ngon của miến Đông Thọ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để có được sợi miến ngon đòi hỏi phải ngâm, lọc bột thật kỹ để sợi miến trong suốt, không có vẩn đục hay sợi xơ. Khi tráng bánh đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ từ khâu đánh bột cho đều, tráng bánh sao cho độ dày đều rồi canh coi cho bánh chín tới thì phải đưa ra giàn phơi ngay.
Nhân công chủ yếu là những lao động ở độ tuổi trung niên.
Vất vả và công phu nhất đối với người thợ là công đoạn phơi bánh. Tùy theo nhiệt độ, nắng, gió mà người thợ định ra khoảng thời gian phơi bánh để đủ khô, khi xếp, gấp vào nhau không bị kết dính, nhưng cũng không được khô quá làm gẫy lá bánh.
Sợi miến ngon cần hội tụ đủ các yếu tố như: Màu trong, sợi nhỏ, dai, dẻo, vị đậm đà. Hương vị của bát miến thơm ngon với sợi miến dai dai đã trở thành món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Việt trong những ngày Tết.
Miến Đông Thọ nổi tiếng bởi độ giòn dai, thơm ngon, khi nấu lên vẫn giữ được mùi thơm đúng vị.
Hiện thu nhập bình quân của các hộ làm miến đạt 200 - 250 triệu đồng/năm; mỗi cơ sở còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày, tuỳ thuộc vào từng công đoạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!