Kết luận chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và liên quan mật thiết với nhiều bệnh lý như: tim mạch, tiểu đường, béo phì…
Vào cuối thế kỷ 20, việc giảm tiêu thụ chất béo đã dẫn đến tăng lượng carbohydrate và đường bổ sung, đặc biệt là đường fructose. Điều này trùng hợp với tỷ lệ béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch ngày càng tăng.
Những năm gần đây thế giới chứng kiến tỷ lệ tiêu thụ đường giảm nhẹ, xuất phát từ các hướng dẫn hạn chế lượng tiêu thụ đường hàng ngày để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe.
Cuộc tranh luận về nguyên nhân chính gây ra béo phì, dư thừa đường, chất béo hoặc tổng lượng calo nạp vào – vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, các nghiên cứu so sánh chế độ ăn ít carbohydrate và ít chất béo cho thấy những kết quả khác nhau, nhấn mạnh sự cần thiết phải can thiệp vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Tiêu thụ đường, đặc biệt là từ đường fructose và đồ uống chứa đường, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu dài hạn cho thấy tác động đáng kể của lượng đường fructose đối với tình trạng kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở phụ nữ.
Tác dụng bảo vệ của chất xơ và một số chất béo nhất định đối với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng được ghi nhận, cho thấy sự phức tạp của các yếu tố chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Vai trò của carbohydrate tinh chế và đồ uống có đường trong bệnh tim ngày càng được công nhận, với các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ của chúng với chứng rối loạn lipid máu và tăng nguy cơ tim mạch.
Theo các nhà khoa học, nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức không quá 10% tổng năng lượng tiêu thụ
Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều đường trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, thậm chí còn gây ra trầm cảm, lo lắng cũng như các rối loạn tâm trạng khác. Việc tiêu thụ nhiều đường của bà mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của con cái. Dùng nhiều đường trong thời gian dài còn có thể làm rối loạn quá trình điều hòa dopaminergic, dẫn đến việc tìm kiếm và tiêu thụ đường nhiều hơn, giống như hội chứng gây nghiện.
Mặc dầu vậy, các nhà khoa học cho biết, việc bổ sung glucose có thể có lợi trong một số trường hợp nhất định như tiêu thụ đường có nguồn gốc từ các thực phẩm như: ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, củ quả….
Cho dù không phải tất cả các loại đường bổ sung đều cần phải loại bỏ, nhưng các nhà dinh dưỡng đưa ra lời khuyên nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức không quá 10% tổng năng lượng tiêu thụ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, các nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tầm soát những căn bệnh nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!