Khi ta nghĩ tới những loài động vật nguy hiểm, một con sứa đầy nước không có não không có vẻ gì là sẽ lọt vào danh sách này. Nhưng nếu những người đi tắm biển nghe thấy “sứa”, họ sẽ đứng nghiêm như chồn đất châu Phi, vì sứa có thể hạ gục họ.
Vừa đẹp đẽ vừa nguy hiểm, sứa là hội tụ của những điều mâu thuẫn. Hãy cùng điểm qua những siêu năng lực của sứa.
Một số loài sứa có tới 98% là nước
Nhà sinh vật học về sứa Lucas Brotz, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ đến từ Đại học British Columbia ở Vancouver, cho biết, bộ phận cơ thể chính của sứa – chuông – được cấu tạo từ hai lớp tế bào mỏng với vật chất vô sinh bằng nước ở giữa. Anh cho hay, cấu trúc đơn giản này là “một thủ đoạn tiến hóa khéo léo” cho phép chúng trở nên to lớn và ăn nhiều thứ hơn mà không cần có tốc độ trao đổi chất nhanh.
Brotz cho biết: “Chúng đã sống sót qua mọi cuộc đại tuyệt chủng”. Trong khi hầu hết các loài từng sinh sống đều đã tuyệt chủng, “đàn sinh vật đầy nước đã sống sót bằng cách nào đó”, trong hơn 600 triệu năm.
… Và siêu nhanh
Sean Colin, một nhà sinh thái học tại Đại học Roger Williams, Đảo Rhode, cho hay, một cú đốt của sứa là “một trong những quá trình nhanh nhất trong giới sinh học”. Điều này cũng khá phức tạp đối với một loài có vẻ là sinh vật đơn giản.
Các tế bào châm của sứa được gọi là cnidocyte, một đặc điểm độc nhất của sứa và họ hàng của chúng như san hô và hải quỳ. Bên trong các tế bào này là một cơ quan tế bào gọi là nang châm, có chứa thứ mà Colin miêu tả như một nang với những chiếc lao nhỏ cuộn bên trong.
Khi bị kích thích tấn công, hàng trăm nang châm sẽ phóng ra. Sự giải phóng áp lực đó tạo ra những nhát châm cực nhanh, chỉ kéo dài 700 nano giây, với lực đủ mạnh để làm vỡ chỗ vỏ yếu nhất của động vật giáp xác.
Chúng không cố ý đốt bạn
Các nang châm được kích hoạt chỉ bằng cách chạm qua bất kì vật chất hữu cơ nào, kể cả chúng ta.
Cú đốt của một số loài sứa, như sứa hộp phía bắc Australia và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có thể gây chết người, trong khi các loài khác sở hữu nang châm không đâm thủng da người.
Tuy nhiên, sứa không đốt lẫn nhau. Brotz cho biết các hóa chất được vô tình giải phóng có khả năng đề phòng điều đó.
Những nông dân sứa
Không phải mọi loài sứa đều nổi với phần chuông ở phía trên. Sứa đảo ngược lộn ngược lại và sống ở đáy biển tại những vùng nước nhiệt đới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Florida, biển Caribbean, và Hawaii.
Loài sứa này nằm đặt phần chuông xuống đáy biển như một người đi nghỉ mát đang tắm nắng, đó đại khái cũng là điều chúng đang làm. Brotz cho hay, chúng giữ tảo vi mô trong các mô của mình và “giơ chúng về phía mặt trời để cho chúng chỗ phát triển”, và sau đó dùng chỗ tảo đó như một nguồn dinh dưỡng.
Theo Brotz, sứa vàng ở Hồ Sứa Palau cũng nuôi tảo. Chúng bơi theo mặt trời khi mặt trời di chuyển từ phía này sang phía kia của hồ vào ban ngày và chăm bón cho “mùa vụ” của chúng vào ban đêm.
Sứa vàng bơi theo ánh sáng mặt trời trên Hồ Sứa, một hồ nước mặn ở Palau - Ảnh từ Michael Melford, National Geographic Creative.
Sứa gián tiếp thắng giải Nobel
Brotz lưu ý, rất nhiều loài sứa trong số 3.000 loài đã được xác định cho đến nay là loài phát quang sinh học, nghĩa là chúng có thể tự phát sáng. Một phần quan trọng của mánh khóe này được sử dụng bởi một loài, sứa pha lê, là một gien gọi là protein huỳnh quang xanh hay GFP.
Khi được các nhà khoa học sử dụng như chất đánh dấu sinh học, protein này thật sự phát quang vào các hoạt động bên trong của cơ thể, theo dõi các quá trình từ sản sinh insulin tới nhiễm HIV tới cấu trúc cơ.
Các nhà nghiên cứu phát minh ra công nghệ này đã thắng giải Nobel Hóa học năm 2008.
Sứa pha lê, tên khoa học là Aequorea victoria - Ảnh của Joel Sartore, National Geographic Photo Ark.
Chúng nguy hiểm kể cả khi đã chết
Các nang châm của một con sứa giống như người điên trong các bộ phim kinh dị không biết bỏ cuộc. Bạn có thể bị đốt bởi một chiếc xúc tu bị tách khỏi cơ thể, hoặc thậm chí là một con sứa chết.
Và nếu bạn ăn một con mực đã ăn một con sứa nhưng chưa tiêu hóa nó hoàn toàn, con sứa đó cũng có thể “đốt” bạn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!