Tại sao bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 lại nguy hiểm hơn?

Minh Đức-Thứ hai, ngày 16/03/2020 17:36 GMT+7

VTV.vn - Các bệnh nhân cao tuổi thường có những bệnh lý mãn tính như tim mạch, cao huyết áo, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính... nên dễ bị biến chứng nặng hơn.

Theo thông tin cập nhật đến sáng 15/3, trong 41 ca mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 16 người nước ngoài, 24 người Việt Nam.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị 17 ca (9 người Việt, 8 người nước ngoài). Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị cho 1 người Việt. Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh điều trị 1 người Việt.

Bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị 4 người nước ngoài.

Bệnh viện Đà Nẵng điều trị 2 người nước ngoài, 1 người Việt. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đang điều trị 9 người Việt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị 1 người Việt và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi điều trị 2 người Việt, 1 người nước ngoài.

Bệnh nhân thứ 57 hiện đang được cách ly và điều trị tại Quảng Nam

(Số liệu tính đến chiều tối ngày 15/3)

Tình hình sức khoẻ của phần lớn các bệnh nhân đang ổn định, không sốt, không khó thở. Một số ca bệnh có triệu chứng ho nhẹ, ăn uống bình thường, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Trưa ngày 16/3, Bộ Y tế cho biết trong số 41 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị hiện có 2 trường hợp bệnh nhân đang có diễn tiến nặng hơn.

Bệnh nhân thứ nhất có diễn biến nặng là nữ bệnh nhân người Việt, 64 tuổi, có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình. Từ cuối giờ chiều 15/3, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng lên, đến 22h cùng ngày, bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu, theo dõi điều trị.

Người thứ 2 là bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, từ 15/3 đã được đặt thở máy, lọc máu. Từ 2h30 sáng 16/3, nam bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị. Bệnh nhân được phát hiện dương tính virus gây COVID-19 ngày 8/3, được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, sau đó một ngày được chuyển về khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội).

Đến 14/3, bệnh nhân tỉnh táo, còn sốt thất thường (sáng sốt, chiều và tối không sốt). Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt thở máy. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.

Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính. Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác.

Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước