Tản văn có phải là… đồ ăn nhanh?

Theo VOV-Thứ sáu, ngày 03/07/2015 14:51 GMT+7

VTV.vn - "Tản văn có phải là fast food" (thức ăn nhanh), là chủ đề cuộc tọa đàm văn học do Nhà xuất bản Trẻ và Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức tối 1/7.

Cuộc tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo độc giả, các nhà nghiên cứu văn học khi bàn luận về một xu hướng sáng tác đang được ưa chuộng hiện nay. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Trương Quý và nhà văn Đỗ Phấn.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cho rằng: Trong 5 năm trở lại đây, tản văn là thể loại nhận được sự chú ý nhiều nhất của độc giả trẻ. Đáng lưu ý là những tác phẩm: "Nhân trường hợp chị thỏ bông" (Thảo Hảo), "Ăn phở rất khó thấy ngon" (Nguyễn Trương Quý), "Con giai phố cổ" (Nguyễn Việt Hà), tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư... gây sự chú ý của độc giả không chỉ bởi những chiêm nghiệm, cảm xúc cá nhân qua từng lát cắt nhỏ trong cuộc sống mà còn thể hiện tiếng nói phản biện xã hội, thỏa mãn nhu cầu tìm về sự thật.

Các diễn giả cho rằng, tản văn là một thể loại phi hư cấu, không có niêm luật chặt chẽ và có nhiều phong cách gần với báo chí. Thể loại này cũng có nhiều cách gọi khác nhau: tản bút, tạp bút, hay có người lại cho rằng đó là tản bút, tùy văn...

Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì tản văn đang nổi lên như một thể loại chính của văn học đương đại, có "dấu ấn riêng, chất giọng riêng". Đó cũng là lý do vì sao mà nền văn học Việt Nam có một Nguyễn Ngọc Tư sung sức, khám phá và gọi tên những đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ, có một Nguyễn Trương Quý với những tâm tư phù hợp với giới văn phòng, sự am hiểu đời sống Hà Nội hiện đại, cũng có một Nguyễn Việt Hà hóm hỉnh, gần gũi, với cách viết đạt đến mẫu mực của thể loại tản văn.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết: “Thể loại tản văn cũng đang gia tăng về mặt số lượng, từ phía người viết và cả số lượng phát hành. Riêng trong 3 năm trở lại đây, Nhà xuất bản Trẻ đã có 47 tựa sách được ấn hành.Trong đó, 6 tháng đầu năm 2015 là 18 tựa sách. Số lượng các nhà văn trẻ tham gia viết tản văn cũng gia tăng đột biến, đặc biệt cây bút viết tản văn ở Hà Nội nhiều hơn các địa phương khác”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, tản văn không phải là một thể loại dễ viết. Từng câu chữ của tác giả phải chắt lọc và độc giả cũng không nên có suy nghĩ đây là thể loại không mất nhiều thời gian để đọc: "Nếu đi theo lịch sử thì tản văn đã có được 500 năm rồi. Như vậy tính về mặt bản chất thì tản văn hoàn toàn không phải là một thứ thức ăn nhanh. Tản văn viết ngắn nhưng không phải lúc nào cũng viết nhanh hay đọc nhanh được. Viết ngắn, có thể một bài 500 chữ, 700 chữ nhưng có khi đánh vật một tuần, một tháng mới viết ra được. Tản văn thời nay là gì và tại sao đầu thế kỉ 21 lại bùng nổ. Tôi thấy rằng chúng ta đang đặt nó trong trào lưu các nhà văn và người đọc đã bắt đầu chú ý đến các thể loại phi hư cấu".

Nhà văn Đỗ Phấn, tác giả của nhiều tập tản văn về Hà Nội như "Hà Nội thì không có tuyết", "Ông ngoại hay cười", "Thác hoa" cũng cho rằng "Viết tản văn càng ngắn càng tốn chữ, người viết phải cân nhắc để nói về một thông điệp nên không thể phí phạm câu chữ".

Các diễn giả nhận định: khác với quan niệm "văn học là hư cấu" thì sự hư cấu trong tản văn không nhiều. "Nó áp sát cuộc sống mỗi chúng ta" - nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ. Điều đó cũng cho thấy sự giao thoa giữa các thể loại văn học là một xu hướng rõ ràng trong những năm gần đây. Đối với độc giả thì việc phân định rạch ròi về mặt thể loại có thể là điều không quá cần thiết.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ thì: "trong đầu tôi từ xưa tới giờ chưa bao giờ băn khoăn là tản văn là cái gì. Tôi chỉ quan tâm cái đó mình đọc có được hay không, có trí tuệ không?". Điều đó có nghĩa là những người làm sách phải đứng trên vai của độc giả để lựa chọn cuốn sách nào xuất bản, cuốn sách nào là không.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến độc giả cho rằng: những người viết tản văn là những người can đảm, dám nói lên sự thật. Để viết được tản văn hay, người viết cần thoát khỏi con người cá nhân, sự hoài niệm và phải hướng đến việc khảo cứu, nâng tầm vấn đề và thể hiện sự am hiểu về muôn mặt đời sống. Bên cạnh đó cần có sự ghi nhận, vinh danh thể loại này ở những giải thưởng văn học./.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước