Có những con người, vì những hư danh mà người ta có thể biến cả cuộc đời mình thành một vai diễn. Một vai diễn mà chỉ đến khi qua đời, họ mới chịu từ bỏ.
Và cũng có những con người, vì những ảo vọng, hư danh, mà họ đã phải diễn một vai theo phân công của cuộc đời, để đến những phút cuối cùng phải sống trong ân hận, đau khổ.
Chúng tôi đang đề cập đến một phần nội dung của cuốn tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn của nữ nhà văn Thuận.
‘ Hà Nội, Sài Gòn, Paris - đó là 3 địa điểm, 3 không gian, 3 bối cảnh chính của cuốn sách này. Trước tiên hãy đến Pari, nơi bắt đầu câu chuyện.
Một cô gái trẻ, gốc Việt vài tháng nay đang theo dõi một người đàn ông, có tên là Paul Polotsky. Tại sao lại có cuộc theo dõi này. Hãy trở lại Sài Gòn, nơi đã diễn ra cái chết của mẹ cô.
Mẹ cô chết vì cái thang máy tại nhà anh trai cô, nghe đâu là cái thang máy tư đầu tiên được lắp trong một gia đình ở Sài Gòn. Chỉ 3 ngày sau khi khánh thành, khi mẹ cô bước vào, nó đã bị rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt.
Những bí mật đã được kiếm tìm, không chỉ là nguyên nhân thang máy rơi, mà những góc khuất của một con người, một gia đình dần được hé lộ.
Cô gái phát hiện trong cuốn sổ giấu kín của mẹ có bức chân dung kèm theo tên và địa chỉ một người đàn ông quốc tịch Pháp tên là Paul Polotsky. Đó là người đàn ông mà mẹ cô đã gặp và yêu trong nhà tù Hỏa Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc hành trình tìm kiếm bí mật của người mẹ đã kết nối 3 không gian Hà Nội, Sài Gòn, Paris ở những thời điểm khác nhau.
Ở Hà Nội, những năm mới chỉ có hòa bình ở miền Bắc, có một gia đình trí thức là gia đình cô, nơi bố mẹ cô diễn rất đạt vai điển hình gương mẫu trong cơ quan, ở khu tập thể nơi mình sống. Nhưng khi cánh cửa ngôi nhà đóng kín, họ là những con người theo đuổi những ước vọng riêng, thờ ơ, lạnh nhạt với nhau và chỉ miễn sao người kia không làm tổn hại đến hình ảnh của mình.
Ở Sài Gòn những năm bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, có một người như anh trai cô, kiếm tiền bằng đủ mọi cách, kể cả đám tang mẹ mình cũng là một cách đánh bóng thương hiệu.
Ở Paris, nơi cô gái và nhiều người Việt sang đây sinh sống bằng nhiều con đường khác nhau, ở từng thời điểm khác nhau, trong họ chất chứa đầy những ưu phiền, mỏi mệt.
Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn đề cập đến những vấn đề không mới, nhưng những câu chuyện mới, con người mới được kể ra đây với một lối viết vừa hài hước, vừa bướng bỉnh, ly kỳ đã làm nên sự hấp dẫn. Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản tại Pháp và được trao tặng Giải sáng tạo năm 2013 của Trung tâm sách quốc gia Pháp.