Nghề đan thúng chai được hình thành cả trăm năm qua ở thôn Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) từ nghiệp đi biển của người dân nơi đây. Đây là nghề không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn gắn bó, tạo nên một nếp sống của người dân Phú Mỹ.
Dù ngày càng ít người gắn bó với công việc vất vả này nhưng những người ở lại với nghề vẫn cố gắng từng ngày để đưa những chiếc thúng chai vươn khơi. Thúng chai giờ đây vươn mình, không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn trở thành một biểu tượng về văn hóa của người Việt.
Thúng chai là một sản phẩm được làm từ tre - thấm đẫm hồn Việt, được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của con người, là sự kết tinh của đất - trời - biển, giúp người dân vươn khơi bám biển. Thúng chai Phú Mỹ được làm bởi tre mỡ bên dòng sông Nhân Mỹ của tỉnh Phú Yên, chịu nước tốt và có độ dẻo cao. Cũng bởi vậy mà dù trọng lượng lên đến cả trăm cân, chiếc thúng chai vẫn hiên ngang bồng bềnh giữa khơi xa. Thúng chai có tuổi đời lên tới 12 - 15 năm.
Những chiếc thuyền thúng đã sống một đời sống gắn bó với những ngư dân quanh năm bám biển và trở thành nét đẹp văn hóa thấm đẫm bản sắc miền biển khi xuất hiện trong các cuộc thi chèo thuyền, lễ hội cầu ngư hàng năm, sự kiện phát triển du lịch biển. Hình ảnh thúng chai không ít lần xuất hiện trên những sân khấu nghệ thuật như một biểu tượng cho đời sống đầy sóng đầy gió nhưng căng tràn sự sống của con người trước biển cả.
Đặc biệt hơn cả, với diện mạo mới mẻ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa vốn có, những chiếc thúng đã đã vươn ra biển lớn, xuất khẩu sang các nước như Thái Lan, Thuỵ Sỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!