Tranh biếm họa - Góc nhìn đa chiều về cuộc sống

Mỹ An-Thứ hai, ngày 14/04/2014 16:27 GMT+7

Có một dòng tranh chưa bao giờ là chủ lưu trong cuộc sống của mọi thời đại, nhưng từ lâu, nhiều người đã xem nó như những tư liệu lịch sử chân thật. Và điều khiến nó như là những trang sử chính là, nó phản ánh thời đại bằng những cái nhìn châm biếm, tuy chua cay nhưng nhẹ nhàng, hài hước.

Và quan trọng hơn nữa, nó ra đời từ những câu chuyện, những hiện tượng chưa đẹp, chưa hay của cuộc sống được thể hiện qua cây bút và cái nhìn đầy tính công dân của những người họa sĩ. Một triển lãm tranh biếm họa đang diễn ra tại TP.HCM thể hiện khá rõ nét những ý nghĩa này.

Đây là một dòng tranh không thể xem nhanh, dù thời gian sáng tác ra nó ngắn hơn rất nhiều so với những loại tranh khác. Cùng một bức tranh, mỗi người sẽ có một cái nhìn, một suy diễn và kết luận như là các góc nhìn khác nhau về một hiện tượng. Điều chỉ có thể có ở tranh biếm họa.

‘ Bức tranh biếm họa với tên gọi "Chỉnh trang" của họa sĩ Trần Hải Nam, bút danh N9.

Ví dụ với bức “Chỉnh trang” của họa sĩ Trần Hải Nam, bút danh N9. Mới nhìn ai cũng biết nó nói về y tế nhưng với mỗi người, bức tranh lại có ý để ngẫm thêm.

Anh Phan Nam Liên - Kiến trúc sư chia sẻ: “Mình là kiến trúc sư, mình thấy nó nói về chỉnh trang đô thị. Chỉnh trang là phải có sự sắp đặt lại nhưng ở đây cho thấy sự chỉnh trang chỉ là tô vẽ bề ngoài, chưa đụng được đến bản chất vấn đề”.

Còn như bức tranh với cái tên “Thủ tục”, người ta có thể đặt câu hỏi: Phong bì có đã trở thành một thủ tục trong mọi quan hệ xã hội hay chưa? Câu hỏi đó làm đau mọi ý thức công dân, kể cả người đã sáng tạo ra nó.

Họa sĩ Hà Xuân Nồng - Bút danh NOP cho biết: “Tôi vẽ được bức họa này là đã thấy buồn vì phong bì bởi nó có thể thành một công nghệ, chi phối mọi con chữ”.

‘ Bức tranh “Thủ tục” của họa sĩ Hà Xuân Nồng - Bút danh NOP.


Thường chỉ chiếm một góc nhỏ trong một tờ báo nhưng tranh châm biếm, với khả năng “chọc ngoáy” của mình, có thể khiến người này sung sướng còn người khác thì bẽ bàng sau khi phải suy ngẫm. Và dường như, không có câu chuyện nào đã từng được nhắc đến bên những ly cà phê sáng, trong những bữa ăn chiều mà tranh biếm họa lại không thể đề cập.

Và dù, vẫn còn nhiều mảng miếng chưa thật sắc sảo, nhất là khi xuất hiện trên những tờ báo dành cho công chúng nhưng trong không gian triển lãm biếm họa, người ta vẫn có thể bắt gặp rất nhiều đề tài của thời đại, của thời sự.

Anh Phan Nam Liên - Kiến trúc sư nhận xét: “Vai trò của tranh biếm họa đối với xã hội là gợi để suy nghĩ, để làm cho xã hội tốt đẹp hơn”.

Còn theo hoạ sỹ Lý Trực Dũng, tranh biếm họa hiện nay không nhạt nhưng vì người ta sợ “dao sắc đứt tay” nên không dám dùng những tranh biếm họa sắc sảo.

Với sứ mệnh là đấu tranh để hoàn thiện xã hội, mà xã hội thì chưa thể hoàn thiện nên biếm họa, dù ở đất nước nào cũng vẫn còn phải tiếp tục dấn thân để thực thi sứ mệnh của mình. Và người xem tranh biếm họa Việt chỉ mong được nhìn thấy những tác phẩm thật sự là thuốc đắng cho thời đại, là ghi chép hóm hỉnh dành cho lịch sử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước