Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc lá tự động, trong đó có đến khoảng 65% ca tử vong là phụ nữ. Đây là con số hết sức đáng sợ, mang tính cảnh báo đến những người có thói quen hút thuốc. Đặc biệt là đối với đàn ông, chỉ với việc hút thuốc lá mỗi ngày cũng sẽ khiến vợ con chịu cảnh bệnh tật. Được biết, khói thuốc chứa rất nhiều hóa chất độc hại, những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Theo WHO, khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Trong khói thuốc, có khoảng 7000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được. Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe giống như những người hút thuốc lá trực tiếp, như nguy cơ mắc ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25-30% so với những người không hít phải khói thuốc.
Đáng chú ý, khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7 - 10m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.
Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ hút thuốc thụ động là trẻ em. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp cấp tính, bệnh tai giữa và các triệu chứng hen ảnh hưởng xấu đến phát triển chức năng phổi…
Ngoài ra, tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có liên quan với hút thuốc lá thụ động cao hơn trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Nghiên cứu gần đây cho thấy, tiếp xúc với khói thuốc lá làm suy yếu khả năng học hỏi của trẻ, bởi trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất gây hại cho hệ thần kinh của con người. Trẻ em có người mẹ hoặc bố hút thuốc lá thường xuyên mỗi ngày, có chỉ số thông minh thấp hơn ít nhất 2,87 điểm so với trẻ khác.
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá còn có thể làm tăng nguy cơ rối loạn hành vi với trẻ em như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), quá hiếu động, hung hăng, trầm cảm, phạm pháp…Hiện nay, tác hại của thuốc lá đối với lĩnh vực tâm thần vẫn đang được nghiên cứu.
Trẻ em tiếp xúc lâu dài với khói thuốc lá có nguy cơ cao bị bệnh động mạch vành sớm, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… khi trưởng thành. Ngoài ra, béo phì, đột quỵ và tiểu đường cũng có liên quan mật thiết đến thuốc lá.
Với người trưởng thành, nhất là phụ nữ mang thai, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân… Đặc biệt, việc sống và làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc cũng khiến phụ nữ phải đương đầu với rất nhiều căn bệnh mãn tính khác như tim mạch, hệ thần kinh, lão hóa sớm... Một trong số đó là bệnh tâm phế mạn - bệnh tim do tắc nghẽn phổi gây ra, hết sức nguy hiểm.
Dù tỷ lệ hút thuốc một vài năm trở lại đây đã có xu hướng giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!