Khoảng 8 năm trở lại đây, ước tính mỗi năm người dân Việt Nam bỏ ra khoảng 14 - 22 tỷ đồng để mua thuốc lá, đi kèm với đó là các bệnh lý mãn tính nguy hiểm như ung thư, tim mạch... Theo thông tin từ Bộ Y tế, hàng năm người Việt Nam bỏ ra chi phí hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đây quả thực là một điều khó chấp nhận khi Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu có thể giảm 1/3 lượng chi phí cho thuốc lá mỗi ngày, bao gồm tiền mua thuốc và chữa bệnh thì sẽ đủ cung cấp hàng triệu bịch sữa cho học sinh hiện nay. Có thể thấy, thuốc lá chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo trong xã hội, tạo thành một vòng luẩn quẩn đối với những cá nhân nghiện thuốc.
Nhiều người biết tác hại của thuốc lá nhưng vẫn không thể từ bỏ việc hút thuốc, bất chấp mỗi điếu thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có đến 70 chất gây ung thư. Một trong số những biện pháp được coi là hữu hiệu là in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến người tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng.
Một điều khiến các chuyên gia lo ngại là tỷ lệ nữ hút thuốc lá có xu hướng tăng. Ngành công nghiệp thuốc lá không ngừng nỗ lực tìm kiếm những khách hàng mới để thay thế cho những người đã bỏ thuốc hoặc chết sớm vì các bệnh do hút thuốc. Và trong số đó nữ giới là nhóm đích mà các công ty hướng tới. Lý do là tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá còn khá thấp. Cũng vì thế, trong khi tỷ lệ nam giới hút thuốc tại nhiều quốc gia đang giảm theo tốc độ chậm thì tỷ lệ nữ giới hút thuốc lại đang tăng. Nhiều dòng thuốc lá được thiết kế dành cho phụ nữ như mang mùi thơm nhẹ, điếu thuốc nhỏ dài... khiến nhiều chị em có cảm giác "sành điệu" khi sử dụng.
Đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam - TS Lokky Wai cho biết, thuốc lá giết chết hơn bảy triệu người mỗi năm, và 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Đồng thời, nó gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1.400 tỷ USD/năm, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động do thuốc lá. Vị này cũng cho hay, các nước đang phát triển gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Trong đó, tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá chiếm tới gần 1% GDP mỗi năm.
Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá. Hơn ba năm từ khi thực hiện Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, 62 tỉnh, thành phố; 18 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá.
Hiện nay, 70% số công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá. Ít nhất 150 nhà máy, xí nghiệp trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trong nhà. Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho biết, đến nay, tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 đến 15%.
Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện K trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.
Các chuyên gia cho rằng, khi tiến hành khảo sát 10 người bất kỳ thì 9 người được hỏi đều biết rằng, thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng và là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư vòm họng, ung thư phổi. Tuy nhiên, đáng lo ngại là chẳng ai hiểu rõ cơ chế gây bệnh cũng như nắm vững cách thức phòng chống những tác hại từ thuốc lá.
Thuốc lá chính là thủ phạm gây ra 90% ca bệnh ung thư phổi. Hiện nay, không chỉ riêng tại nước ta mà tình trạng ung thư phổi ngày càng gia tăng ở mức báo động. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Mặt khác, tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi 20-30%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!