Cổng chính của khu vực trưng bày được thiết kế theo phong cách tranh cổ động với màu sắc chủ đạo xanh và đỏ, tượng trưng cho màu áo người lính và màu của lá Quốc kỳ tung bay khắp Hà Nội.
Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò đã tổ chức Trưng bày chuyên đề “Khúc ca khải hoàn” nhằm tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến gian khổ đồng thời gợi nhớ hình ảnh những đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô với biết bao cảm xúc.
Trưng bày được chia thành 3 nội dung: “Bền bỉ kháng chiến”, “Ngày về chiến thắng” và “Hà Nội của ta”. Nội dung “Bền bỉ kháng chiến” gồm các tiểu mục nhỏ: “Sống mãi với Thủ đô”, “Dưới ách kìm kẹp” và “Sông Hồng cuộn sóng”.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên bùng lên khắp nơi. Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô được tái hiện qua những tư liệu, hình ảnh lịch sử quý giá.
Mục “Hà Nội những ngày khói lửa” - một phần trưng bày của nội dung “Bền bỉ kháng chiến”.
Giới thiệu những tấm gương của “Đoàn Học sinh kháng chiến” cùng những hình thức đấu tranh của các cựu tù Hoả Lò.
Nội dung “Ngày về chiến thắng” gợi nhắc lại những mốc son trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới, đổi từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị.
Phần trưng bày “Trước ngày trở về” nằm trong tiểu mục “Đấu tranh đến giờ phút cuối” chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cùng bản Hiệp định Giơ-ne-vơ, thể hiện khát khao tự do của nhân dân, đập tan sự phá hoại và trì hoãn của địch.
Tiểu mục “Thời khắc lịch sử” đưa người xem quay trở lại không khí hào hùng, sục sôi của ngày Thủ đô giải phóng cách đây 68 năm.
Hình ảnh của một Hà Nội văn minh, phát triển được giới thiệu trong nội dung “Hà Nội của ta”. Sau gần 70 năm, Hà Nội đang vươn mình trở thành một thành phố hiện đại, giàu đẹp, nhưng những ký ức về một Hà Nội kiên cường trong bom đạn vẫn còn mãi.
Những chứng tích lịch sử gợi nhắc về thời khắc không thể nào quên của Hà Nội 68 năm về trước.
Một số hình ảnh khác:
Bộ giấy tờ của đồng chí Trần Khắc Cẩn (Lê Văn Ba) - cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sử dụng trong thời gian hoạt động bí mật tại nội thành Hà Nội (năm 1953-1954).
Từ trái qua phải: Giấy trả tự do, thẻ số tù và tài liệu dạy học của các cựu tù chính trị bị bắt giam tại Nhà tù Hoả Lò.
Báo “Nhựa sống” của Đoàn Học sinh Hà Nội.
Từ trái qua phải: Báo “Tiền phong” số đặc biệt mừng ngày Giải phóng Thủ đô (tháng 10/1954), Chứng minh thư ông Lê Văn Ba dùng trong thời gian tiếp quản Thủ đô và Huy hiệu 50 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh.
Gia đình đồng chí Lê Văn Ba (học sinh kháng chiến Hà Nội, bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hoả Lò năm 1952-1953) xúc động trước hình ảnh ông thời trẻ.
Ông Đỗ Đăng Long bồi hồi trước tấm ảnh thời thanh niên của mình: “Nghĩ lại những năm tháng ấy mà cảm thấy bây giờ vui vẻ, hạnh phúc lắm. Xứng đáng là thanh niên tham gia Cách mạng.”
Đại tá Dương Niết kể lại khoảnh khắc những cánh quân tiến vào tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Hà Nội.
Buổi lễ khai mạc có sự góp mặt của những nhân chứng lịch sử, những cựu tù chính trị đã từng bị bắt giam tại Nhà tù Hoả Lò. Những người lính năm xưa lặng lẽ ngắm nhìn những kỷ vật đã gắn liền với một thời chiến đấu sôi nổi.
Trưng bày cũng góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn lớp người đi trước, đồng thời nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người con Việt Nam.
Du khách nước ngoài tham quan tại khu vực trưng bày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!