Mùa Đông năm nay đến với Hà Nội chậm hơn một chút. Đông cứ rón rén, ngập ngừng và Thu cũng chẳng vội qua. Thế mà, vào một buổi sáng tháng Mười Một, mùa Đông đột nhiên đến. Những ngày nắng đậm và trời hanh chẳng còn. Gió thổi vi vu, lá bay xào xạc, lòng người thổn thức vì sự đổi thay của trời đất. Đông đến khiến người ta muốn được sưởi ấm bằng một chiếc chăn dày, một bàn tay đan, vài thứ đồ ăn ấm nóng và những câu chuyện cảm động.
Bạn có muốn thử cảm giác ngồi bên góc phố, cạnh người mình mến yêu, thưởng thức bánh trôi tàu, chí mà phù, lục tàu xá để cảm nhận cái ngọt của thức quà dân dã, cái hay trong văn hoá vỉa hè của người Hà Nội và hơi ấm nóng trong cái lạnh lẽo của mùa Đông?
Bánh trôi tàu là một thứ chè quen thuộc của người Việt Nam. Ngày xưa, Thạch Lam đã từng nói, có lẽ những thứ quà nước ngọt chỉ riêng Hà Nội mới có, mà không phải là phố nào các hàng quà ấy cũng đi qua. Bánh trôi tàu cũng vậy. Đó là một thứ bánh trôi nước, được nặn to hơn bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực, nhân đậu xanh, vừng đen, trộn với đường, thả trong nồi nước đường sôi sùng sục.
Bát bánh trôi tàu được chan nước đường gừng nóng bỏng.
Bánh trôi tàu là một thứ quà không dành cho người ăn vội. Phải nhâm nhi mới ra cái vị, cái hồn của món ăn này. Vả lại, mùa Đông mà ăn nhanh, ăn vội thì còn gọi gì là thưởng thức và tận hưởng? Vị dẻo quánh dẻo quạnh của vỏ bánh, vị bùi bùi của nhân đậu, nhân vừng, cái ngọt đậm của nước đường gừng nóng hổi, tạo nên một cảm giác tuyệt vời khó diễn tả. Nó mang dòng văn hóa bao đời của người Việt Nam, mang tâm tình của người nấu, mang cả hồn cốt của đồng ruộng bao la bởi gạo nếp, đỗ xanh, gừng, lạc,...
Một thứ chè cháo khác cũng rất độc đáo là chí mà phù. Đây là một món chè mè đen, nguyên liệu được xay nhuyễn, mềm mịn, nấu lên đặc sệt và ngọt đậm. Bát chí mà phù chỉ có một màu đen từ mè, không thêm bất cứ thứ gì khác. Theo chia sẻ, chí mà phù được nấu bởi nguyên liệu đơn giản như mè, bột sắn dây pha loãng, đường, lá chanh,... nhưng công phu ở khâu nấu.
Một bát chí mà phù ngon là khi có màu đen sánh mịn và độ sệt vừa đủ. Người bán múc ra bát, người ăn cầm trên tay nóng hôi hổi, xắn từng miếng, từng miếng, thổi cho miếng chè nguội từ từ rồi mới đưa vào miệng để thưởng thức.
Một món chè khác cũng gần giống chí mà phù, nhưng lại có màu ngả vàng nên được gọi là lục tàu xá. Cái màu đặc trưng ấy là đậu xanh xay nhuyễn, nấu cùng các nguyên liệu như bột báng, trần bì (vỏ quýt khô), hạt sen, đường,... Một bát lục tàu xá là sự kết hợp từ vị ngọt của đường, vị béo của đậu xanh, vị bùi của hạt sen và vị the của trần bì. Món ăn vặt này độc đáo nhưng giản dị và rẻ tiền, ai cũng có thể thưởng thức.
Bát lục tàu xá sánh mịn, âm ấm giữa mùa đông.
Chí mà phù và lục tàu xá kén người ăn lắm. Bởi đó là một thứ quà ngọt đậm. Những người sành ăn mới biết cách thưởng thức và tìm ra cái ngon trong ấy. Tôi để ý, người trung niên và cao tuổi mới đến mua hai loại chè này.
So với bánh trôi tàu, chí mà phù và lục tàu xá hình như ít phổ biến ở Hà Nội hơn và người trẻ cũng không ưa thưởng thức thì phải. Người ta thường nhắc đến hai thức quà này khi nói đến Hội An - nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống. Nhưng không phải không tìm được hàng chí mà phù và lục tàu xá ở Hà Nội. Mạn Hàng Giầy có một quán chè bán cả ba món: bánh trôi tàu, chí mà phù, lục tàu xá, nhưng chỉ mở vào mùa Đông hằng năm.
Cô bán hàng và nồi chè nóng nghi ngút khói ở một góc vỉa hè Hà Nội.
Bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù.
Và giữa mùa Đông, nếu như được nhâm nhi ly cà phê trứng bên một người bạn hiền thì quả là thích thú. Cà phê trứng đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đó là một sự kết hợp hài hoà giữa vị cà phê đăng đắng, thơm thơm với vị ngọt ngào, béo ngậy của trứng được đánh bông xốp. Nhiều người ưa uống nóng, khi dùng có thể lấy thìa khuấy lên nhè nhẹ để lớp trứng bồng bềnh, quyện hòa trong những giọt cà phê lỏng. Cà phê trứng cũng là thức uống nên được thưởng thức từng chút, từng chút. Ly cà phê là cầu nối cho bao câu chuyện đời, cũng là một biểu tượng của sự sáng tạo và là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.
Ly cà phê trứng béo ngậy.
Một góc cà phê là cầu nối của bao câu chuyện.
Nhưng mùa Đông Hà Nội thì làm sao thiếu được những hàng khoai nướng, ngô nướng nép mình trên từng vỉa hè, góc phố? Ngô, khoai không phải chỉ mùa Đông mới có, nhưng phải đến mùa Đông thì người ta mới nhóm bếp để nướng hai thứ này. Vả lại, họ chỉ bán vào buổi tối. Thế mới hay.
Khoai được chọn để nướng là khoai mật, khi chín thì mật chảy ra. Còn ngô là loại ngô nếp căng sữa, hạt dẻo, nướng lên có hạt cháy xém, hạt mềm và thơm mùi đặc trưng. Người ta có thể ăn loại thường - chỉ có ngô nướng và cũng có thể chọn thêm các loại sốt quết thêm như: phô mai, cay ngọt,... Nếu như khoai và ngô luộc có thể ăn nhanh, thì loại nướng lại phải ăn chậm. Cảm giác nhấm nháp một thứ gì nóng hổi khi trời trở lạnh thật là thú vị và thoải mái biết bao!
Khoai, ngô trên bếp than hồng.
Khoai nướng và ngô nướng ăn vào mùa Đông có vị ngon hơn thì phải. Tôi nghĩ, cái ngon, cái ngọt ấy không chỉ bởi nguyên liệu được chọn lọc, mà còn bởi niềm vui của người ăn khi được ngồi cạnh bạn bè và sưởi ấm bên bếp than đỏ lửa.
Hà Nội đã vào Đông. Ẩm thực cũng đã vào “mùa”. Chè, bánh, cà phê trứng hay khoai, ngô nướng đều có thể khơi gợi cảm thức mùa trong mỗi chúng ta. Và đến một lúc nào đó, ta sẽ ngồi lại mà xuýt xoa thưởng thức những thức quà ngọt thơm của mùa Đông Hà Nội…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!