Những ngày này, người người, nhà nhà, ai cũng háo hức chờ đón các tập phim mới của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng. Nếu như Người phán xử gây ấn tượng mạnh bởi sự ly kỳ, gay cấn trong thế giới ngầm thì Sống chung với mẹ chồng lại được yêu mến bởi yếu tố gần gũi, chân thực với cuộc sống. Nhiều khán giả cho rằng bên cạnh những tình tiết hư cấu, phim phản ánh khá rõ nét thực trạng các mối quan hệ trong cuộc sống hiện nay.
Các cô gái hẳn ai cũng mơ lấy được một chàng hoàng tử bạch mã như Thanh. Ngoại hình bảnh bao, sáng sủa, điều kiện kinh tế khá giả, công việc ổn định, gia đình nề nếp, yêu chiều vợ. Nếu chỉ nhìn vào những điều này thôi thì Thanh chắc hẳn là người chồng trong mơ của phái nữ. Ấy vậy nhưng lấy Thanh rồi, Vân cũng đâu có được sung sướng? Ngoài tấn bi kịch bắt nguồn từ mẹ chồng mà Vân phải gánh chịu, nguyên nhân sâu xa khiến cuộc sống của Vân thêm phần bế tắc, đó chính là từ Thanh – người chồng cô hết mực yêu thương.
Trong gia đình, người đàn ông có vai trò chủ chốt, là cán cân giúp cân bằng mối quan hệ giữa mẹ và vợ. Chuyên gia tâm lý cho rằng để cuộc sống gia đình hòa thuận, người đàn ông cần luôn luôn giữ sự khách quan, không nên tỏ ra mình nghiêng về phe nào. Bên cạnh đó, người đàn ông cũng cần có sự tinh tế trong xử lý tình huống, cần biết lúc cương, lúc nhu khi trò chuyện với mẹ và vợ. Thế nhưng Thanh đã làm được gì trong những điều trên?
"Thôi mà vợ" là câu nói được Thanh lặp đi lặp lại sau mỗi lần Vân và mẹ khẩu chiến. Thay vì chỉ cho vợ cách cư xử, thay vì cùng vợ bàn phương án giải quyết, Thanh lại bắt vợ chịu đựng sự bất công và quá quắt của mẹ mình. Ấm ức dồn nén, đến lúc Vân "tức nước vỡ bờ" cũng là lúc cô nhận ra rằng chồng chưa bao giờ là một hậu phương vững chắc.
Từ một "soái ca" bảnh bao, chiều chuộng vợ, Thanh trở thành một kẻ nhu nhược, không dám đưa ra chính kiến mà chỉ im lặng trước cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu ngày một căng thẳng diễn ra ngay trong chính gia đình mình. Không ngồi cùng mẹ phân tích về cách bà đối xử tệ bạc với vợ ra sao, không an ủi, động viên và cùng tìm cách giải quyết vấn đề với Vân, Thanh mất hẳn đi vai trò người đàn ông trong gia đình.
Sự nhu nhược của Thanh (Anh Dũng) đã khiến mối quan hệ giữa mẹ và vợ ngày một căng thẳng
Thậm chí, càng về sau, Thanh càng thể hiện mình là một "mama boy", chỉ nghe lời mẹ mà không màng đến cảm xúc của vợ. Đỉnh điểm của sự nhu nhược này là khi Thanh ra tay đánh đập vợ. Khi một người đàn ông phải dùng tới bạo lực, điều đó cũng có nghĩa rằng anh ta đang bất lực. Sức mạnh của đàn ông cần phải được thể hiện qua trách nhiệm với gia đình chứ không phải qua những cú tát, những cái đấm dành cho người từng đầu ấp vai kề với mình. Càng đánh Vân, Thanh càng lộ rõ sự yếu đuối và bất lực của bản thân.
Không chỉ là một người chồng vũ phu, Thanh còn là một người đàn ông bạc tình, bạc nghĩa. Trước đây, nếu như Vân đòi chia tay, Thanh vẫn 5 lần 7 lượt níu kéo, thì ngay khi bị Diệp "thả mồi", Thanh liền "cắn câu", quên hết đi tình nghĩa vợ chồng. Thanh thản nhiên bỏ rơi Vân, buộc cô phải đau đớn đưa ra quyết định phá thai. Thế rồi sau biết bao sóng gió, khi con tim Vân đã vui trở lại thì Thanh lại xuất hiện và yêu cầu nối lại tình xưa. Gió chiều nào theo chiều nấy, Thanh vẫn giữ sự nhu nhược, thiếu chính kiến ấy kể cả khi cuộc hôn nhân giữa anh ta và Vân đã chấm dứt.
Khi xem Sống chung với mẹ chồng, nhiều cô gái tự nhủ mình sẽ không lấy chồng vì sợ gặp phải bà mẹ chồng ghê gớm như bà Phương. Tuy nhiên, điều các cô gái cần bận tâm hơn, đó là việc người đàn ông sẽ cùng mình chia sẻ phần đời còn lại là người ra sao. Nếu không may vớ phải mẫu người đàn ông như Thanh, chắc hẳn các cô gái sẽ khó lòng có nổi một hạnh phúc trọn vẹn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!