Bí kíp chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam

-Thứ hai, ngày 15/10/2012 08:15 GMT+7

Cùng lượm lặt một vài bí kíp bỏ túi để có kỳ leo núi vô cùng thú vị và mang tính thử thách lên đỉnh Phanxipang.

Leo lên được đến đỉnh núi Phanxipang đem lại các bạn cảm giác được vượt lên chính mình, chinh phục thiên nhiên. Và tất nhiên, khi leo được lên đến đỉnh là một chuyện vô cùng tự hào vì bản thân đã chiến thắng được chặng đường gian nan để đứng trên ngọn núi cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải trang bị cho mình một số bí kíp để chuyến đi được trọn vẹn!

Sức khoẻ là yếu tố quyết định

Việc chuẩn bị trước một sức khoỏe tốt trước khi lên đường là vô cùng quan trọng. Nhiều bạn nghĩ rằng mình còn trẻ nên có thể dư sức lên được tới tỉnh núi. Đây là một sai lầm lớn.

Trong suy nghĩ của nhiều bạn miền Nam, đường leo núi Phanxipang là những bậc thang được trải nhựa hoặc là đường đi bằng phẳng. Vì thế, nhiều bạn không hề chuẩn bị trước cho mình những tháng ngày tập luyện để tăng sức bền và độ dẻo dai của cơ thể.

‘ Thực tế, đường leo lên núi Phanxipang là một con đường khá gồ ghề bởi nó là đường đất, không được tu sửa. Mà đường đất thì có chỗ cứng, chỗ mềm, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ đá, chỗ bùn. Chưa kể là có những đoạn đường rất dốc, lại thêm có nhiều tảng đá chắn giữa, lúc leo lên rất dễ trơn trợt.


Chính vì vậy mà có rất nhiều người đã khuyên rằng trước khi có ý định leo Phanxipang, bạn cần phải tập luyện ít nhất là 3 tháng. Và tất nhiên không phải chỉ là đi bộ bình thường, mà hãy đeo trên vai ba lô khoảng 5-7 kg và kiếm những đoạn đường dốc mà đi. Như vậy, khi leo lên các chỗ dốc của đoạn đường thật, bạn sẽ không bị quá mệt.
Khi leo Phanxipang, quan trọng là hơi sức của bạn bền để duy trì tốc độ trong bao lâu. Bài tập này sẽ giúp bạn làm quen được với thói quen điều tiết hơi thở và tăng sức bền cho cơ thể. Hơn nữa, bài tập này cũng sẽ giúp bạn làm quen được với việc leo dốc mà không bị thắt bụng cũng như bị khó thở khi leo dốc, giúp bạn vận động để các cơ chân và khớp không bị chấn thương khi leo núi thật.
Tuy nhiên, dù là tập luyện cỡ nào thì bạn cũng nên giữ gìn sức khoẻ cho đến ngày leo núi nhé. Bạn Phương (TP.HCM) chia sẻ: “Mình từng leo Phanxipang một lần, nhưng chỉ vì trước ngày đi mình bị cảm cả tuần, lại thêm bệnh huyết áp thấp, nên mới leo được vài con dốc đã bị ngất xỉu rồi. Thế là phải nhờ người khiêng xuống. Tiếc lắm!”.
Vì vậy, bên cạnh luyện tập thể lực, bạn cũng chú ý đến chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp đủ vitamin, tăng sức đề kháng. Cũng như đừng quên uống nhiều nước nhé!
Thời gian leo núi
Sau khi luyện tập 3 tháng, bạn cần xác định cho mình khoảng thời gian đi để phù hợp với sức khỏe. Bởi có những bạn chỉ cần 2 ngày 1 đêm là có thể đến nơi, nhưng điều đó không thể áp dụng cho tất cả mọi người được. Vì càng rút ngắn thời gian, bạn sẽ càng phải tăng tốc độ leo núi của mình, cũng đồng nghĩa bạn phải thực sự khỏe, không bị bệnh tật gì trước ngày leo núi.

Tuy nhiên, thời gian lý tưởng vẫn là 3 ngày 2 đêm, vì bạn có thời gian vừa đủ để ngắm cảnh núi rừng sông suối mà không tạo nên sức ì trong quá trình leo núi nếu nghỉ ngơi quá nhiều.

‘ Ngoài ra, việc chọn thời điểm leo núi cũng quan trọng lắm đấy! Bởi thời tiết trên núi rất “đỏng đảnh”, rất dễ làm nhiều bạn mắc bệnh. Nên ít ai lựa chọn thời gian leo núi vào mùa mưa, vì chẳng những phải đi nhanh đến trạm nghỉ để hạn chế sự ẩm ướt mà còn tiết chế tốc độ leo núi như thế nào để không bị trơn trượt khi leo lên những vách đá hiểm hóc.



Cho nên thời điểm leo núi thích hợp là tầm tháng 4, tháng 5. Lúc ấy, sương mù không quá dày đặc, cũng như những cơn mưa bất chợt cũng ít đi. Hoặc nếu bạn muốn cảm nhận cái lạnh của thời tiết thì tháng 11 và tháng 12 cũng là lựa chọn không tệ chút nào!
Lựa chọn đường đi
Có rất nhiều cách để leo lên tới đỉnh núi. Nhưng hiện nay nhiều người sẽ chọn điểm xuất phát từ Trạm Tôn và về theo lối cũ. Vì đường này dễ đi hơn, ít nguy hiểm hơn, tuy cũng có nhiều vách đá nhưng tốn ít thời gian hơn. Nếu đi theo lộ trình này, bạn sẽ tiết kiệm được chút hơi sức để nghỉ ngơi khi lên được đến đỉnh.

‘ Đường đi khi đi từ Trạm Tôn.


Tuy nhiên, một lựa chọn khác là đi từ Sín Chải. Con đường này xa gần gấp đôi so với đường đi từ Trạm Tôn. Nhưng cái gì cũng có cái thú vị của nó. Đường Sín Chải tuy có xa hơn, có khiến bạn cảm thấy mệt hơn, nhưng con đường này sẽ dẫn bạn đến với những bản làng để khám phá trên đoạn đường leo núi.

Vách đá cheo leo, cùng với những lớp địa y phủ đầy thân cây cũng đủ khiến cho những người leo núi phải chuẩn bị những kỹ thuật đi đứng kỹ càng.

Nên đi với một nhóm nhỏ

Đó là lời khuyên dành cho các bạn lần đầu leo núi. Bởi đây là một ngọn núi khá cao, và để leo tới đỉnh thì phải trải qua khá nhiều khó khăn. Chắc chắn rằng sẽ không ít lần bạn phải há hốc, thậm chí muốn bỏ cuộc khi lần đầu tận mắt thấy những vách đá cheo leo.

Đi với một nhóm nhỏ sẽ dễ khiến các bạn thống nhất ý kiến với nhau, tránh những xung đột giữa chừng trong quá trình leo núi. Và đôi khi, chính những xung đột nhỏ này sẽ khiến bạn chẳng còn hứng thú gì cho việc lên tới đỉnh.


Hơn nữa, đi với một nhóm nhỏ, bạn sẽ dễ dàng theo sát đồng đội của mình hơn. Nếu đi quá đông người (hơn 7 người), những bạn có sức khỏe kém hơn sẽ buộc lòng gắng gượng để theo kịp những người sức khỏe trời ban. Còn những bạn có sức khoẻ tốt là cố để chờ những bạn đi chậm. Và như thế thì rất dễ gây khó chịu cho các bạn chung đoàn. Thế nên lời khuyên tốt nhất là nên đi với một nhóm nhỏ thôi, và hãy đi cùng những người có thể trạng tương tự mình để cùng động viên nhau cố gắng nhé!
Chuẩn bị hành lý
Khi sức khỏe, tinh thần và những người bạn đồng hành đã sẵn sàng, bây giờ đến lúc để chúng ta soạn hành lý!
Đi leo núi cần nhất là tiện lợi và gọn nhẹ. Mặc dù khi leo sẽ có một anh hướng dẫn viên và một người dân tộc khiêng đồ (porter), nhưng porter chỉ có nhiệm vụ mang nước, mang đồ ăn, túi ngủ, và hỗ trợ khi bạn bị ngất xỉu dọc đường thôi. Còn hành lý của bạn, bạn phải tự chăm sóc đấy.
Trước hết, bạn cần một đôi giày đủ chắc chắn, đủ độ ma sát để leo núi. Tốt nhất là nên mua giày leo núi mà đi, hoặc không thì cũng có thể sử dụng giày bộ đội, giày boot chống thấm nước (có lớp nhựa ở ngoài). Hạn chế sử dụng giày bata. Vì giày bata không đủ độ ma sát để bạn có thể bám vững khi leo lên các vách núi trơn, rất dễ làm bạn ngã trong quá trình leo trèo.
Hơn nữa, càng lên cao, độ dốc của các vách đá càng khủng khiếp. Bạn đừng nghĩ rằng độ cao nào cũng như nhau, sẽ có lúc bạn gặp những vách đá gần như thẳng đứng. Lúc ấy, đôi giày bata chẳng khác nào “khắc tinh” của chúng ta khi chúng ta gần như vừa bò vừa leo lên núi.

‘ Đôi giày có khi là vật cản trở trong quá trình leo núi! Tiếp theo là một đôi dép nhẹ. Vì khi leo trèo, khó tránh khỏi đôi giày của bạn bị ướt át, thế nên trong lúc nghỉ ngơi, bạn không thể nào mà mang đôi giày ướt đó đi lòng vòng được rồi, hãy mang theo một đôi dép dự phòng!



Ngoài ra, bạn không thể quên một đôi găng tay và một đôi tất. Găng tay sẽ giúp bạn bám trụ vào những cành cây khi leo núi mà không lo trầy xướt. Đôi găng tay này còn có tác dụng làm ấm khi bạn lên vùng cao nữa nhé. Trong lúc leo núi, bạn sẽ thấy nóng bức vô cùng, nhưng khi bạn dừng lại, bạn sẽ cảm thấy lạnh ngay lập tức. Đôi găng tay và đôi tất sẽ như vị cứu tinh sưởi ấm cơ thể đấy!

Và cũng đừng quên mang theo chiếc áo ấm khi lên núi, vì thời tiết trên núi sẽ lạnh hơn ở đồng bằng đấy! Cuối cùng là bạn nên trang bị cho mình nước uống và vài thanh kẹo ngọt sẽ rất hữu dụng khi đi đường. Nước uống ở trên núi rất hiếm, nên nếu không mang nước dọc đường, bạn sẽ phải chịu cảnh “chết khát” cho đến khi leo đến độ cao 2.200m hoặc 2.800m, và nước uống thì đắt: 20k/ 1 chai 500ml.

Ngoài ra, càng lên cao, không khí càng loãng, bạn sẽ càng dễ bị hạ huyết áp, nên thanh kẹo ngọt sẽ giúp bạn có thêm một chút năng lượng trên dọc đường. Tốt nhất, bạn hãy chuẩn bị một ít sô-cô-la.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước