Bình yên chùa cổ Bút Tháp

Bài và ảnh: Mai Chi-Thứ sáu, ngày 28/02/2014 19:40 GMT+7

Để tránh cảnh đi chùa phải chen vai thích cánh, người nọ vái vào lưng người kia, chúng tôi đã chọn địa điểm du xuân đầu năm là Kinh bắc - nơi có những ngôi cổ tự trầm mặc và không gian thanh tịnh. Bỏ lại đằng sau những câu quan họ mượt mà, chúng tôi ngả mũ bước vào chùa Bút Tháp - ngôi chùa có kiến trúc tinh xảo và rất nhiều tượng Phật độc đáo.

Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) hay còn gọi là chùa Nhạn Tháp, nằm bên sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nơi đây chính là trung tâm Phật giáo sớm nhất ở nước ta.

Buổi chiều ở chùa Bút Tháp thật thanh bình, yên ả. Qua cổng tam quan, chúng tôi đã cảm nhận được mùi trầm hương thơm ngát. Nếu ai mới đến thăm Bút Tháp lần đầu không khỏi trầm trồ trước hệ thống tượng Phật cổ độc đáo và vô cùng phong phú. Nhà tiền đường rộng với hai pho hộ pháp cưỡi sư tử, uy nghiêm và không kém phần dữ dội. Các ông có nhiệm vụ khuyến thiện, trừ ác. Bước vào thượng điện, chúng tôi được chiêm ngưỡng một thế giới nhà Phật từ bi, bác ái.

‘ Gác chuông

Độc đáo nhất là tòa tuyệt phẩm tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (nghìn mắt nghìn tay) do Trương tiên sinh tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời hậu Lê. Tòa Quan Âm thiên thủ thiên nhãn được tạo tác trên cơ sở triết lý âm dương hòa hợp. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, dày 1,15 m. Trên đầu Phật là đức A Di Đà. Tương truyền, A Di Đà đã dùng phép thuật chắp lại đầu cho Phật Bà khi Phật Bà quá lo nghĩ cho chúng sinh đến nỗi đầu bị nổ tung thành nhiều mảnh nhỏ. Vì thế tạo thành 11 mặt Phật, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.

‘ Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn- bảo vật Quốc gia tại chùa Bút Tháp

Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái. Đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ, đằng sau là vầng hào quang, bên dưới là hình trang trí sóng nước sống động như một thủy cung. Tượng được tạo tác với hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi (biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định); các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật). Điều kỳ lạ là mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Nhìn tổng thể tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang tỏa ra từ tâm điểm.

‘ Đầu xuân đến chùa xin chữ

Thật tiếc khi chúng tôi có mặt tích Thiện Am với tòa Cối kinh đẹp nhất Việt Nam đang được trùng tu nên không được chiêm bái. Tòa cối kinh bát giác cao 7,8 m, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích ca Mâu Ni. Người xưa tin rằng khi vừa tụng niệm, cầu ước vừa tự mình quay một vòng cối kinh, xoay cửu phẩm liên hoa thì lời tụng niệm sẽ nhân lên 3.542.400 lần, Phật pháp sẽ mau chứng quả.

‘ Tháp Báo Nghiêm

Thắp nén tâm nhang lạy Phật rồi vòng ra sân chùa yên ả, đi qua những hàng cau gốc trầu, một cảm giác êm dịu, thảnh thơi xâm chiếm tâm hồn. Ai đó thấy mình được trở về những kí ức tuổi thơ. Mới ngày nào đó lẽo đẽo theo bà lên chùa lễ Phật. Ngồi bệt xuống bậc thềm gạch mát lịm, ngắm những mái chùa cong cong và ngọn Báo Nghiêm vẫn như cây bút lông dựng đứng trọc lên trời khiến cho cuộc du xuân của chúng tôi thật thi vị. Những khoảnh khắc quý báu mà không thể tìm thấy ở những lễ hội phải chen vai thích cánh đầu xuân năm mới này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước