Căn cứ tàu ngầm lớn nhất hành tinh ở Balaklava được xây dựng phía dưới ngọn núi này.
Căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất này được xây dựng trong thời Chiến tranh lạnh và trở thành một bảo tàng hải quân vào năm 2003. Cả Ukraine hay Nga, quốc gia có Hạm đội Biển Đen đồn trú tại Sevastopol, đều không muốn chi tiền vào căn cứ tàu ngầm Balaklava và chỉ có duy nhất kho vũ khí của căn cứ này là còn nguyên vẹn và được bảo vệ cho đến khi nó được bàn giao cho chính quyền để trở thành một bảo tàng. Sau khủng hoảng tại Ukraine, người dân nơi đây không khỏi lo lắng về số phận của bảo tàng này.
Ông Eugeny - Chuyên gia nghiên cứu tại bảo tàng hải quân Balaklava cho biết: “Chúng tôi hi vọng mùa hè này sẽ không khác so với mùa hè trước. Những người từ khắp nơi của Liên bang Nga và các nước khác sẽ tiếp tục đến với Balaklava để tham quan các điểm du lịch, trong đó bao gồm cả bảo tàng của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi mong đợi hỗ trợ từ các cơ quan của Liên bang Nga. Hơn nữa, việc làm rõ bảo tàng này sẽ thuộc về ai là rất cần thiết”.
Bà Tatiana - Người bán đồ lưu niệm chia sẻ: “Các du khách từ Ukraine có thể sẽ không tới đây trong năm nay. Nhưng chúng tôi không quan tâm, chúng tôi hạnh phúc và tự hào khi trở thành một phần của Liên bang Nga”.
Trong khi đó, phần lớn người dân của Balaklava vẫn rất vui mừng sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, và hy vọng về một cuộc sống tốt hơn.
Ông Alexander - Người dân Balaklava nói: “Tôi nghĩ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn với chính quyền mới, đặc biệt là sau khi chúng tôi đã được gia nhập Liên bang Nga”.
Hiện nay, ngoài các căn cứ quân sự Nga tại Sevastopol, du lịch vẫn là ngành công nghiệp chính của Crimea. Theo số liệu chính thức, khoảng 70.000 trong số 2 triệu dân của bán đảo này làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, nhưng khoảng 60% dân số với ít nhiều thu nhập hàng tháng phụ thuộc vào ngành du lịch.