Tháng 3, nhớ hội chùa Thầy...

Hữu Hải-Thứ bảy, ngày 05/04/2014 09:00 GMT+7

Cứ đến hẹn lại lên, từ ngày 5/3 đến ngày 8/3 âm lịch hàng năm, chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) lại tưng bừng mở hội. Đây là lễ hội không đơn giản chỉ là nơi để vui chơi giải trí, mà còn là điểm đến linh thiêng cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc.

‘ Chùa Thầy - ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Bộ

Sơ lược lịch sử và kiến trúc

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây Nam, đi dọc theo Đại lộ Thăng Long, ta sẽ về đến chùa Thầy. Đây là một ngôi chùa cổ nằm trên địa phận xã Sài Sơn, nức tiếng gần xa không chỉ bởi vẻ đẹp về thắng cảnh thiên nhiên, kiến trúc chùa mà còn điểm đến linh thiêng của các tín đồ Phật tử.

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), ban đầu là một am nhỏ (am Hương Ngải) trong động đá núi Sài. Chùa Thầy rộng 2.400m2, gồm ba toà nhà chạy song song với nhau hình chữ tam, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, có hai dãy hành lang chạy kèm hai bên đầu hồi, với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá độc đáo mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Điều đặc biệt là tòa Bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Mái chùa được lợp bằng ngói cổ, kiểu mũi hài. Tương truyền rằng, ngói lợp này được lấy từ chùa Tây Phương, cách đó 7km về hướng Tây. Mặc dù quãng đường dài như vậy, nhưng năm xưa, ngói lợp được chuyển tay nhau theo kiểu nối dây và chỉ trong một ngày, vừa vận chuyển, vừa lợp.

Lưng chừng núi Thầy là chùa Cao hay còn gọi là Đỉnh Sơn Tự (vốn là Hiển Thụy Am) là nơi Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Chùa nằm vào vị trí đẹp trong khu vực với tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích các danh nho. Phía trên chùa Cao có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,… trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ huyền nhiệm. Hang khá sâu, lại hẹp và tối, muồn vào hang phải mang theo đuốc và lửa, càng xuống sâu hang càng cao, càng rộng, với nhiều ngóc ngách, lối đá rêu phong trơn tuột với những cột đá sáng long lanh như được khảm bạc dát vàng, những âm thanh tưởng như từ cõi âm vọng lên, những lỗ thông ra ngoài hang để ánh sáng luồn vào nhảy múa trong màn đêm… và tận cùng của hàng động, tục truyền vẫn còn hài cốt của quân nhà Triệu do Lữ Gia chỉ huy trong cuộc chiến chống lại nhà Hán từ đầu thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Tất cả các công trình kiến trúc này tọa lạc trên thế đất thiêng, dân gian gọi là khu đất “hàm rồng”. Sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai cầu Nhật - Nguyệt được ví như hai râu rồng, nhà thủy đình trên hồ Long Trì là “viên ngọc” mà rồng vờn. Năm xưa, chúa Trịnh Căn đã phác họa trong bài ký ghi trên vách núi, rằng chùa Thầy “như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa”.

Vì thế, có thể khẳng định so với các ngôi chùa vùng Đồng bằng sông Hồng, chùa Thầy có những nét riêng biệt không nơi nào có. Chùa không có nghi môn, tam quan, vừa thờ Phật theo Mật Tông, vừa thờ thánh. Đức thánh được thờ ở chùa Thầy là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người đã có công lớn trong việc dạy học và chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là người tổ chức, sáng lập ra môn đá cầu, đánh vật và múa rối nước.

‘ Phong cảnh hữu tình của chùa Thầy

Lễ hội chùa Thầy – lễ hội “có một không hai”

Vào ngày khai hội (5/3 âm lịch), các nhà sư, Phật tử và nhân dân làm lễ tắm tượng, lau dọn khám thờ. Nước tắm tượng được vẩy khắp nơi cho người khang vật thịnh. Chiếc khăn sẽ được chia cho trẻ em để tránh tà khí.

Tiếp sau đó là lễ cúng Phật và chạy đàn, một hình thức diễn xướng mang đậm tính chất tôn giáo có sự hỗ trợ của các nhạc cụ. Các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh như mờ mờ ảo ảo, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh. Nó có một sức hút khó cưỡng, làm cho du khách cảm thấy hưng phấn, vô âu vô lo giống như đang ở cõi Tây Thiên ngay giữa đời thường.

Sự hấp dẫn của lễ hội chùa Thầy còn là cuộc du ngoạn của khách thập phương lên thăm quần thể hang động và chùa chiền rất đẹp gắn với nhiều huyền tích về đất Phật. Cuộc hành trình đi từ chùa Cao – chùa Một Mái hang Bụt Mọc – hang Thánh Hoá – hang Cắc Cớ – động Gió Lùa – chợ Trời rồi trở về ao Rồng, nhà Rối phía trước chùa chính (chùa Cao). Du khách được thưởng ngoạn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của núi Thầy, hiện ra trong sự yên tĩnh, dưới những làn sương mờ mờ ảo ảo hay trong những dòng người tấp nập đi lễ chùa. Rồi chứng kiến cái sâu thăm thẳm của hang Cắc Cớ với nhưng truyền thuyết về nơi đây.

Lễ hội chùa Thầy là một trong những lễ hội được kết hợp khéo léo, sinh động của 3 tôn giáo Phật, Đạo, Nho và tín ngưỡng dân gian. Làm cho lễ hội này trở thành một trong những lễ hội đặc sắc nhất nước ta do hội tụ được tinh hoa văn hóa của các tôn giáo. Nổi lên điển hình là hình thức diễn xướng Phật giáo mang đậm chất nghệ thuật.

Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có rất nhiều trò chơi, đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Ðình. Nội dung của các vỡ diễn là những câu chuyện thần tiên hay chuyện đời thường ý nhị. Các con rối xuất hiện bất ngờ thoắt ẩn, thoắn hiện trên làn nước lung linh, rất thần diệu. Đó là cảnh đôi rồng vàng uốn lượn, nhảy vờn, miệng phun nước, bỗng nhiên lặn xuống, biến mất, rồi bất chợt phóng lên, phun đầy lửa khói. Hoặc có khi là cảnh nông dân, trâu cày lội chìm trong nước,… Ngoài ra còn có các vỡ diễn có nội dung là những truyện cổ Việt Nam như “Tấm Cám”, “Thạch Sanh”. Đây là một trong loại hình nghệ thuật mang đậm tính nhân văn và gắn liền với đời sống của người nông dân Việt Nam xưa.

Trẩy hội chùa Thầy, du khách còn được về thăm vùng quê nổi tiếng về văn hiến gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây và làm giàu thêm những giá trị truyền thống của miền đất danh thắng nàỳ như thiền sư Từ Đạo Hạnh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú,…

Chùa Thầy và lễ hội chùa Thầy đã được Nhà nước xếp loại di tích lịch sử cấp I của quốc gia, một di tích Cách mạng và là công trình kiến trúc cổ có giá trị độc đáo, một lễ hội đặc sắc “có một không hai”, nên đối với những người đam mê du lịch mà không biết cũng như chưa từng đến nơi đây thì không phải là người “sành” du lịch.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước