Vùng Tây Bắc là nơi có vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo về địa hình, khí hậu, cảnh quan và hệ sinh thái, chính vì vậy nơi đây rất có giá trị và sức hấp dẫn trong ngành du lịch. Bao gồm 12 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Bắc là nơi có hệ sinh thái đa dạng và nhiều cảnh đẹp. Những giá trị về cảnh quan thiên nhiên cùng văn hóa dân tộc con người Tây Bắc là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển và đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói.
Theo báo cáo của các tỉnh vùng Tây Bắc và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, trong năm 2015, số khách du lịch đến Tây Bắc đạt 8,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 1,6 triệu lượt. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: "Ngành du lịch Tây Bắc đã phát triển nhưng chưa có sự đột phá, về hạ tầng, về nhân lực và cả về nhận thức". Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng muốn đẩy mạnh ngành du lịch thành ngành mũi nhọn thì không thể cùng lúc phát triển toàn bộ 8 tỉnh mà cần phải có sự đầu tư vào đúng trọng điểm, đi vào chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là phải giữ được những giá trị văn hóa dân tộc và môi trường, cảnh quan.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đưa ra các giải pháp, cần phải định vị được các sản phẩm du lịch, chọn những lợi thế nổi bật và khác biệt để phát triển sản phẩm du lịch. Cần phải có sự xúc tiến du lịch, định vị phân khúc thị trường, sản phầm nào phù hợp với khách nội địa và sản phẩm nào phù hợp với khách nước ngoài. Ông nhấn mạnh việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực trong ngành du lịch. Ngoài ra, cần phải hình thành cơ chế liên kết theo vùng, liên vùng để hoạt động du lịch được thông suốt.
Du lịch vùng Tây Bắc được quảng bá nhiều tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2016
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, hiện ngành du lịch tại Tây Bắc chưa có sự phát triển đột phá là bởi không có sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Nhiều nơi có sản phẩm du lịch na ná nhau, có nhiều địa điểm du lịch đẹp, hấp dẫn nhưng không có sự đầu tư về đường sá... Và quan trọng nhất là làm thế nào để phát triển ngành du lịch thành mũi nhọn nhưng vẫn bảo tồn được văn hóa bản sắc dân tộc.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch tại vùng Tây Bắc như đề xuất cần có chính sách cụ thể cho các hãng lữ hành để động viên doanh nghiệp, ưu tiên chính sách cho các doanh nghiệp lữ hành xúc tiến du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc và làm thế nào để cân bằng việc vận chuyển giữa đường bộ và đường sắt trong du lịch, phát triển một số phương tiện thủy lộ, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh Tây Bắc đến du khách nội địa và quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.