Có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nhưng du lịch Việt vẫn còn không ít "hạt sạn" (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Hạt sạn" của du lịch Việt
Trước đó, Lynne Ryan, du khách Australia - tác giả bài viết "Horror trip, Halong Bay" (Vịnh Hạ Long, chuyến đi kinh dị), cho biết bà và 5 người bạn đã đặt một chuyến du lịch trên biển kéo dài 2 ngày tại một công ty du lịch nhỏ ở Ngõ Huyện, Hà Nội với giá 75 USD/người.
Trái với hứa hẹn về một chuyến du lịch biển hạng sang trên một con tàu tuyệt đẹp, khởi hành hôm 2/5 tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), theo bà Lynne Ryan, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Tàu Hoàng Phương HP4686 trở các du khách này theo miêu tả của du khách này lại có vòi nước trong phòng tắm bị rò rỉ; nhà vệ sinh không cửa và bị tắc; phòng ở còn có chuột và gián...
Sự việc diễn ra trên tàu Hoàng Phương HP4686 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và thương hiệu du lịch Việt Nam
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội và một số báo điện tử đã gây xôn xao dư luận. Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc: Sở GTVT Hải Phòng đình chỉ hoạt động của tàu Hoàng Phương; Hà Nội xử phạt văn phòng du lịch bán tour không đúng cam kết; Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam gửi thư xin lỗi nữ du khách Australia
Song vụ việc được xem đã ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến Vịnh Hạ Long nói riêng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số các "hạt sạn" ở không ít điểm đến du lịch tại nước ta.
Cần có giải pháp tổng thể
"Du lịch là một ngành có tính tổng hợp liên ngành và liên vùng, để xử lý hiện tượng như lừa đảo, chèo kéo, ép giá… các ngành có liên quan phải vào cuộc. Trong vai trò của chính quyền địa phương có tình chất quyết định vì nó diễn ra trong địa bàn", Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, trong phát triển du lịch, các cơ quan ở Trung ương tham mưu định hướng chỉ đạo và đề xuất các cơ chế chính sách. Nhưng quản lý thế nào cho tốt an ninh, an toàn hay sự lành mạnh của các điểm đến thì chính quyền địa phương phải vào cuộc.
Ông Tuấn cho biết một số điểm đến như Sầm Sơn, Vũng Tàu… đã từng xảy ra hiện tượng chèo kéo, ép giá… gây ra sự ám ảnh cho du khách. Tuy nhiên thời gian qua, Sầm Sơn hay Vũng Tàu đã có bước tiến dài trong việc quản lý điểm đến với những biện pháp chặt chẽ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh vai trò của chính quyền sở tại trong việc phát triển du lịch
"Sầm Sơn và Vũng Tàu làm được thì tôi tin rằng tất cả những điểm đến, các thành phố, trung tâm du lịch đều có thể làm được", ông Tuấn khẳng định.
Để loại bỏ những hạt sạn các điểm đến du lịch theo ông Tuấn, cần phải có các biện pháp thanh tra, kiểm tra, phối hợp để xử lý vi phạm một cách mạnh tay, triệt để, mới có thể ngăn chặn được tình trạng này. Tại đây, vai trò của địa phương là quan trọng nhất. Ngoài ra phải nâng cao nhận thức của những cá nhâ, tổ chức, cộng đồng… làm du lịch.
"Cần phải làm cho họ thấy rằng, nếu cứ chèo kéo, ép giá… thì sẽ vô cùng lợi bất cập hại. Lợi thì ít mà hại thì nhiều. Có thể làm phương hại đến cả một điểm đến", ông Tuấn nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!