Từ Lhasa đến Gyantse - Con đường cổ tích

Bài và ảnh: Mai Chi-Thứ sáu, ngày 30/08/2013 10:10 GMT+7

Có những con đường mà độ xa xôi, hiểm trở khiến ta chỉ có thể đi qua một lần trong đời, không hẹn ngày tái ngộ. Cho dù sức hấp dẫn, sự huyền bí của nó luôn quyến mời. Với tôi, con đường quanh co gấp khúc lọt giữa những thung lũng của núi tuyết từ Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng dẫn tới thị trấn Gyantse là như vậy!  

Trước khi đến Tây Tạng và ngay cả sau khi đặt chân đến miền đất của Chư Phật, tôi không thể hình dung mình sẽ có một hành trình pha trộn quá nhiều trạng thái xúc cảm như thế. Đi trên độ cao trung bình hơn 4.000m, lần đầu tiên tôi được nhìn cận cảnh những đỉnh tuyết sơn ngàn năm ẩn mình trong mây trắng. Cảm giác, từ cửa kính ô tô, ai đó có cánh tay dài quá khổ như nhân vật hoạt hình nổi tiếng - thám tử Gadget là có thể vươn tới, chạm vào đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu đang án ngữ trước mặt kia.

‘ Độc hành trên con đường cổ tích

Con đường chúng tôi đi lọt thỏm giữa những sườn núi phủ đầy rêu màu xanh nâu nhạt nhòa trong sương sớm. Vậy nhưng, cái khoảnh khắc mờ ảo đó nhanh chóng qua đi. Bình minh ở Tây Tạng dường như đến nhanh hơn bất cứ nơi nào. Ánh mặt trời gay gắt ngay từ những tia sáng đầu tiên ló rạng. Có phải vì trời và đất nơi đây quá gần nhau, đã hòa làm một? Thật tiếc cho những ai đã có cơ duyên đến được với Tây Tạng mà không thể khỏe khoắn mở rộng tâm hồn cảm nhận cái không gian khoáng đạt, trùng điệp của núi non, sự tĩnh lặng, trong suốt của không gian, mây trời.

Người đã quen với những cung đường Tây Bắc quanh co hiểm trở của Việt Nam nhiều khi cũng không dám mở mắt nhìn thẳng xuống vực sâu huống chi là người yếu bóng vía. Con đường nối Lhasa với thị trấn Gyatse (TP Shigatse) dẫn thẳng ra biên giới Nepal được trải nhựa phẳng lỳ nhưng những góc cua tay áo của nó thì đáng sợ. Đây là con đường cao tốc khá hiện đại nên đã giảm đi nhiều mức độ nguy hiểm.

‘ Con đường quanh co, hai bên đường là đồi núi phủ tuyết trắng

Tôi không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu ngọn núi thiêng dăng đầy cờ ngũ sắc. Để rồi, sau khi thót tim hồi hộp cùng bác tài vượt đỉnh Kampala cao hơn 5.000m, chúng tôi bất ngờ nhận được một món quà độc đáo của thiên nhiên Tây Tạng. Một mặt hồ phẳng lặng, xanh trong hiện ra giữa bốn bề núi đá. Hồ Yamdok - một trong bốn hồ thiêng của Tây Tạng là đây.

Nằm ở độ cao 4.441m, hồ Yamdok có một màu xanh kỳ ảo như ngọc, rộng hơn 600km2, dài 72km, được tạo thành do băng tan chảy từ những đỉnh núi tuyết và có hình dáng kỳ lạ nên Yamdok còn có tên gọi là hồ Bọ cạp hay hồ San hô. Chúng tôi như lạc vào trốn bồng lai tiên cảnh, khẽ bấm hỏi nhau: là thực hay mơ? Cảnh trời mây non nước hòa quyện với nhau, nước hồ xanh màu xanh da trời, bóng mây lồng bóng núi. Phía xa kia, ngọn núi tuyết nổi tiếng linh thiêng của người Tạng - Nojin Kangtsang có độ cao 7.191m sừng sững, trắng toát chọc thẳng lên trời xanh.

‘ Ụ đá mani với đầu bò Yak và rất nhiều ụ đá nhỏ bên bờ hồ Yamdok

‘ Một chú bò Yak đang chờ khách

Đến Tây Tạng, dẫu bạn đi cả ngày đường không gặp một bóng người nhưng dấu ấn của người Tạng có thể nhận thấy ở khắp nơi. Đại thần chú, câu kinh mà bất cứ người Tạng nào cũng tâm niệm trong đầu Úm ma ni bát mê hồng được khắc trên các vách núi, ven đường ở đâu cũng nhìn thấy các ụ đá mani xếp ngay ngắn hay trên những đỉnh núi cao sừng sững, cờ ngũ sắc có in kinh nhà Phật phấp phới tung bay… Gió sẽ đưa những lời nguyện cầu của họ tới các đấng linh thiêng.

Tôi đã không ngạc nhiên giống các bạn đồng hành khi nhìn thấy chi chít các ụ đá mani được đẽo gọt sắp xếp cẩn thận bên bờ hồ Yamdok bởi đã được giải thích rất rõ khi đọc tác phẩm Thiên Táng của nhà văn Hân Nhiên. Ở nơi mà thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dằn như Tây Tạng thì đức tin đã thấm nhuần vào mọi thứ. Con người dường như phó thác mình trọn vẹn cho trời đất. Núi non, sông hồ, cây cỏ đều nói lên đức tin.

‘ Con đường nhựa quanh co bên hồ Yamdok

Tạm biệt Yamdok, chúng tôi vội vã lên đường để kịp tới chiêm bái tháp Kumbum, đền thập vạn Phật linh thiêng. Một thách thức nữa mà đoàn chúng tôi phải vượt qua là đèo Kharola cao 5.560m. Ở độ cao này, nhiều người phải thở bình oxy vì không khí rất loãng. Dù có ánh nắng chói chang nhưng nhiệt độ lại rất thấp.

Bác tài giục chúng tôi xuống chụp ảnh kỷ niệm rồi nhanh chóng lên đường. Có người không đủ sức xuống xe, đành chấp nhận chĩa máy ảnh qua một lần cửa kính ô tô chụp đỉnh băng Nojin Kangtsang vĩnh cửu. Trong suốt hành trình xuyên Tây Tạng thì đây là điểm dừng chân cao nhất mà chúng tôi đã đi qua. Ai cũng tím tái, đau đầu, nếu lưu lại thêm một thời gian nữa chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng choáng, ngất. Nhưng có trải nghiệm chúng tôi mới thấy khâm phục khả năng sinh tồn kiên cường của người Tạng.

‘ Đỉnh băng Nojin Kangtsang

Thị trấn nhỏ Gyantse đón chúng tôi bắt đầu bằng những ngôi nhà truyền thống của người Tạng được sơn vẽ cầu kỳ và trang trí xung quanh tường rào bởi vô số những bánh phân gia súc. Gyantse là nơi xưa kia từng được xem là thủ phủ của Tây Tạng suốt 80 năm, nay chỉ còn là một đô thị xưa cũ với dấu tích vàng son là là tu viện Palkhor và bảo tháp Kumbum. Được coi là một công trình vĩ đại nhất với kiến trúc độc đáo nhất trên cao nguyên Tây Tạng, bảo tháp Kumbum được xây dựng vào năm 1436, cao 32,4m, mái bằng vàng, đền gồm 9 tầng, 108 cửa và 77 khám thờ. Trong linh tháp có tới 100.000 bức tranh tường, vô số tượng Phật, các chư vị Bồ Tát nên còn được vinh danh là đền thập vạn Phật.

‘ Trong ánh nắng chiều vẫn còn gay gắt, chợt bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người Tạng trong tư thế ngũ thể nhập địa, bái Phật với muôn vàn sự cung kính, bao mệt mỏi của chúng tôi dường như được xua tan, tâm hồn trở nên thư thái lạ kỳ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước