Các bài thuốc hữu ích từ cá

Nguyễn Liên-Thứ hai, ngày 17/09/2018 22:38 GMT+7

Cá chép (Hình minh họa: Wikipedia)

VTV.vn - Cá chép, cá mè, cá diếc – ba loài cá thân thuộc thật ra có rất nhiều công dụng trong điều trị các loại bệnh!

Cá là món ăn ưa thích và xuất hiện rất thường xuyên trong mỗi bữa ăn hàng ngày của người Việt. Bên cạnh công dụng là một món ăn thơm ngon, cá kết hợp với các vị thuốc lại có thểchữa được rất nhiều loại bệnh. Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" - NXB Khoa học và Kỹ thuật) tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dược liệu - dược Cổ truyền đã chỉ rõ những công dụng hữu ích của từng loài cá trong chữa trị các loại bệnh phổ biến.

CÁ CHÉP

Thịt cá chép có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi niệu, hạ khí, tiêu thũng, an thai, thông sữa, giảm ho suyễn. Vảy cá tính bình, cầm máu. Mắt cá có vị đắng, tính lạnh, không độc, có tác dụng thông ứ, minh mục.

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt cá chép nấu với lá bìm bìm non, ăn hàng ngày chữa phù thũng ở trẻ nhỏ (loại bệnh sưng phù nề các bộ phận của cơ thể do chất lỏng dư thừa bị mắc kẹt trong các mô), dùng đến khi đi tiểu được nhiều và thấy nhẹ mặt. Có thể dùng cá diếc hay cá quả thay thế. Công thức cá chép 1 con nấu với hoàng kì 60g để ăn lại là bài thuốc trị bí tiểu, người cao tuổi dùng rất tốt. Ngoài ra, còn có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh với nguyên liệu chính là cá chép, cụ thể:

- Để chữa phù nề, vàng da ở phụ nữ có thai: lấy thịt cá chép (1 con) nấu thật nhừ với hạt đậu đỏ (100g) và trần bì (10g).

- Chữa thũng trướng: cá chép loại đuôi đỏ (600g) mổ bỏ ruột, nhồi vào bụng 20g phèn chua nghiền nhỏ, rồi bọc giấy, trát bùn, đem nướng chín, sau đó bỏ bùn, gỡ lấy thịt cá, nấu cháo ăn hết trong một ngày.

- Làm thuốc an thai: cháo gạo nếp nấu với một con cá chép và một lạng a giao, ăn trong 3 ngày.

- Chữa viêm khí quản cấp tính: cá chép (1 con) đánh vảy, bọc đất sét, nướng chín, sau đó bỏ đất, gỡ thịt cá nấu cháo ăn vào lúc đói, ngày một lần.

- Thuốc thông sữa, bổ huyết: cá chép đốt tồn tính, tán bột mịn, uống mỗi lần 10g, ngày 2 lần.

- Chữa liệt dương: mật cá chép (1 cái) phối hợp với gan gà trống (1 cái) nghiền nát, ngâm với 500ml rượu trắng trong 5 – 7 ngày càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần mỗi lần 30ml. Cũng với công dụng trên, có thể lấy mật cá chép (1 cái), chứng chim sẻ (1 quả) và mật gà trống (1 cái) làm viên uống.

- Chữa trẻ con bị tắt họng, không nuốt được: mật cá chép và đất trong lòng bếp (lượng bằng nhau) trộn đều, tán nhỏ nhuyễn, bôi vào cổ.

- Chữa rong kinh, rong huyết khi có thai: Vảy cá chép (1/2 bát) rang cháy đen cùng với lá ngải cứu và rễ cây gai (mỗi thứ 1 năm) nghiền nát, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng trong vòng 3 ngày.

Ngoài ra, phụ nữ xưa nay cũng thường truyền cho nhau kinh nghiệm dùng cá chép từ 300 – 400g luộc ăn trong thời kì thai nghén khoảng từ 1 – 3 tháng để cho dễ đẻ và có những đứa con khỏe mạnh, thông minh, da dẻ hồng hào.

Theo tài liệu nước ngoài, vảy cá chép (200g) cắt nhỏ, sắc nhỏ lửa với nước rồi cô đến khi thành cao đặc, ngày uống từ 40-60 g cao với rượu hâm nóng, chia làm 2 lần để chửa chảy máu tử cung. Để chữa hóc xương cá, lấy 36 cái vảy ở lưng cá chép, sao vàng, tán bột mịn, uống với nước lạnh. Thịt cá chép nấu với ngó sen lại là món ăn – vị thuốc bổ huyết, ích thận, kiện tỳ.

Các bài thuốc hữu ích từ cá  - Ảnh 1.

Cá diếc (Hình minh họa: aktiv.3dn.ru)

CÁ DIẾC

Thịt cá diếc có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, hành thủy, tiêu thũng, tiêu khát, làm se, sát khuẩn. Mật cá diếc có vị đắng, tính lạnh.

Cá diếc nướng, nấu với rau má mơ (rau má bọ) ăn hàng ngày chữa đau gan, vàng da; với rau rút làm canh chữa biếng ăn; với đậu đỏ hoặc vỏ quả bí đao để tiêu phù thũng; với nấm hương làm tăng tiết sữa ở phụ nữ.

Một số bài thuốc có cá diếc:

- Chữa phù ở trẻ em hoặc bệnh kiết lỵ ra máu: lấy cá diếc (1 con) đánh vảy, mổ bụng, làm sạch ruột rồi phi phèn chua (1 cục nhỏ) tán bột, cho vào bụng cá, đốt tồn tính, tán nhỏ mịn. Mỗi ngày uống 10 gram, chia làm 2 lần.

- Chữa bệnh đái tháo và giúp tiêu khát: cá diếc làm sạch, nhồi đầy lá chè non vào bụng, bọc giấy, đốt cho chín thịt cá, ăn vài lần là khỏi bệnh.

- Trị viêm phế quản mãn tính: cá diếc (1 con khoảng 250g), sa nhân, gừng, hồ tiêu (mỗi thứ 3g) sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày, để chữa buồn nôn, nôn mửa. Bột cá diếc (5 g) uống với bột gừng (3g), bột bán hạ chế (3g).

- Chữa sa dạ con ở phụ nữ sau sinh: lấy mật cá diếc (1 cái) đốt thành than, tán nhỏ, trộng với dầu vừng và bôi bên ngoài bộ phận này. Lưu ý, trước khi bôi phải rửa sạch bộ phận này bằng nước ngâm tỏi.

- Chữa viêm túi mật: mật cá diếc (5-10 giọt) uống với ít rượu.

- Chữa bệnh xuất huyết: vảy cá diếc nấu thành cao, mỗi lần uống 30g với rượu nóng

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta sử dụng cá diếc dưới dạng món ăn – vị thuốc để bình gan, thấp dương, hạ huyết áp theo cách làm sau: cá diếc (200g) đánh vảy, bỏ mang, ruột, rửa sạch, thoa lên mình cá bằng 10g dầu ăn, 10g rượu trắng và ít muối, rồi bỏ vào nồi cùng với 500ml nước dùng gà, 5g gừng đập giập, 5g hành thái nhỏ và 12g bột mẫu lệ. Nấu sôi, cho 200g đậu phụ cắt miếng vào, đun nhỏ lửa đến chính nhừ rồi bỏ 100g lá cải xanh cắt nhỏ vào là được. Để nguội, ăn cả cái lẫn nước 1 lần trong ngày.

Bên cạnh đó, phụ nữ ở một số địa phương nấu cá diếc với hoàng kỳ, khởi tử, rượu vang, gừng sống, hành, hồ tiêu, dấm và đường làm món ăn bổ huyết, dưỡng da, cho da hồng hào, sắc mặt tươi tắn.

Các bài thuốc hữu ích từ cá  - Ảnh 2.

Cá mè (Hình minh họa: fishbase.de)

CÁ MÈ

Cá mè có vị ngọt, tính ấm, không độc, trơn nhày, có tác dụng bổ não, tủy, nhuận phế, ích tỳ vị. Thịt cá mè ngon và béo. Người cao tuổi ăn cá mè đều đặn chống được đau đầu, giảm trí nhớ, ho đờm, hen suyễn.

Sách thuốc cổ ghi: thịt cá mè trắng có tác dụng khai vị, hạ khí, điều hòa ngũ tạng chống hư huyết mạch, bổ gan, sáng mắt. Người đang có mụn nhọt thì nên kiêng ăn. Chú ý, không ăn gỏi cá mè hoặc cá mè nấu chưa chín kỹ vì người ta đã nghiên cứu kỹ, cá mè là loại cá có tỷ lệ mang ấu trùng sán lá gan cao nhất, khoảng 92%. Mỡ cá mè rán chảy có tác dụng chữa bỏng. Nếu bị viêm tai có mủ, có thể dụng mật cá mè rút lấy nước và nhỏ vào trong tai.

Ở Trung Quốc, người ta dùng cá mè dưới dạng món ăn – vị thuốc để phục hồi sức khỏe cho những người bị suy nhược, sốt, chán ăn theo cách chế biến sau: cá mè tươi (300g) đánh vảy, rủa sạch, bỏ đầu và xương, thái lát mỏng, nấu với khởi tử (30g). Sau đó, thêm ít giá đỗ xanh, gừng tươi, lá khủ khởi, rau mùi, rau cần, hành, hồ tiêu, muối và ăn trong ngày.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước