Mỗi mùa tuyển sinh, chủ đề về các chương trình giáo dục nước ngoài tại Việt Nam lại trở nên nóng trở lại. Ở mọi cấp học, từ mầm non đến THPT, nhiều bậc phụ huynh luôn mong muốn con cái được trải nghiệm môi trường giáo dục tiên tiến, ngang với các nền giáo dục tại các nước phát triển.
Đáng nói, nhiều gia đình vẫn còn những lầm tưởng về các chương trình giảng dạy quốc tế. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hiện nay, không ít các đơn vị giáo dục, cụ thể là các trường dân lập sử dụng danh xưng "trường quốc tế". Điều này nhằm hấp dẫn phụ huynh và người học.
Theo Điều 48 của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực) nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình:
Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;
Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 01/7/2020, cũng quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 47):
Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;
Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
Như vậy, trong Luật Giáo dục không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế".
Chính sự mập mờ về tên gọi mà "Chương trình giảng dạy quốc tế" vẫn chưa thực sự hiểu đúng. Chưa kể, để có thể sở hữu và triển khai 1 chương trình dạy và học của nước ngoài tại 1 cơ sở giáo dục là điều không hề dễ dàng.
Tại một Trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội, thay vì ý mua bản quyền 1 chương trình dạy và học có hệ thống từ nước ngoài, thì đơn vị này đã quyết định xây dựng 1 giáo trình riêng.
Trung tâm tiếng Anh tự xây dựng chương trình học.
"Về việc mua chương trình của nước ngoài thì khó khăn nhất là chương trình đó có thích ứng với học sinh, giáo viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất. Bởi khi họ cung cấp cho mình 1 chương trình học thì không chỉ là những cuốn giáo trình hay bộ đĩa mà mình dạy được mà đó là cả 1 quá trình chuyển giao về chuyên môn, đào tạo", anh Nguyễn Hữu Tú, Đại diện Trung tâm tiếng Anh nêu trên chia sẻ.
Thầy giáo của Trung tâm tiếng Anh Phạm Hồng Long cũng cho biết: "Mình có tìm hiểu các chương trình của nước ngoài, mình có tham khảo các chương trình quốc tế, về dạng bài và kỹ năng có thể tham khảo. Tuy nhiên khi mình xây dựng giáo trình thì quan trọng nhất là phải quan sát học viên, xem hệ thống lỗi như thế nào và xử lý lỗi đó ra sao".
Lớp học Robotics tại một Hệ thống giáo dục kỹ năng sống
Không chỉ khó tiếp cận để lựa chọn các chương trình học phù hợp. Tại một Hệ thống giáo dục kỹ năng sống, để dành được hợp đồng, sở hữu các bài giảng về kỹ năng sống cho trẻ của 1 tổ chức tại Mỹ, cũng phải mất ít nhất vài năm để chứng minh đủ yếu tố nhân lực và vật lực để triển khai.
Chị Trần Thị Thanh Thủy, Đại diện Hệ thống giáo dục kỹ năng sống chia sẻ: "Điều kiện là phải sử dụng chương trình lâu dài, như bên tôi là đã mua bản quyền 11 năm và trả tiền theo năm. Đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất phòng học đảm bảo tiêu chuẩn, đội ngũ đào tạo cũng vậy. Mỗi năm bên cung cấp bản quyền cũng sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc này".
Được biết, ngoài việc đảm bảo tất cả các tiêu chí của bên cung cấp bản quyền đưa ra, các đơn vị giáo dục của Việt Nam còn phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả đối với sản phẩm giảng dạy khi triển khai. Đây cũng là rào cản khiến không ít đơn vị giáo dục trong nước chần chừ trong việc lựa chọn 1 chương trình giảng dạy quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!