Là học sinh cuối cấp, để có thể vượt qua các kỳ thi sắp tới, đòi hỏi Ngọc phải nỗ lực rất nhiều trong việc tự học. Thế nhưng khi khai thác tài liệu tham khảo, Ngọc luôn gặp khó khăn với các bài học có tên địa danh hay tác giả được phiên âm ra tiếng Việt.
"Không tìm được đúng tên hoặc sai nghĩa, khi con tra cứu thì không thể tìm thấy thông tin" - em Nguyễn Minh Ngọc (Trường THCS và THPT Hà Thành, Hà Nội) cho biết.
Uy-li-am Sếch-xpia, khi em Trần Minh Đức, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội sao chép dòng tên để tra cứu thông tin về tác gia người Anh này thì kết quả ra một hướng khác khiến em khá bối rối.
Nhận thấy cách phiên âm trong sách hiện hành đã lạc hậu nên khi làm sách giáo khoa mới nhiều tác giả đã đề xuất sửa đổi. Thế nhưng, Thông tư sửa theo hướng viết nguyên dạng chỉ thực hiện được 2 năm cho đến khi Nghị định 30 về công tác văn thư của Chính phủ ban hành. Vì thế, đến nay ngay trong chương trình sách giáo khoa mới vẫn duy trì phiên âm theo cách cũ (có gạch nối).
Khắc phục bất cập này, hiện các bộ sách giáo khoa mới lớp 1, 2 và 6 đã có thêm bảng tra cứu tên riêng nước ngoài ở cuối sách, hoặc từ gốc cạnh phiên âm. Tuy nhiên nhiều giáo viên và chuyên gia vẫn đề xuất cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.
"Chúng ta cần có văn bản luật rõ ràng, làm cơ sở pháp lý cho việc phiên âm tiếng nước ngoài trên sách cụ thể hơn nữa" - thầy Vũ Ngọc Hưng, Trường THCS và THPT Hà Thành, Hà Nội nói.
"Việc phiên âm tôi nghĩ là không cần thiết nữa, hiện trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh đều đã tốt hơn rất nhiều rồi" - cô Nguyễn Thị Khoa, Trường THCS và THPT Hà Thành, Hà Nội nói.
Đề xuất giữ nguyên dạng cũng phù hợp với thực tế: Hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì ngoại ngữ đã được đưa vào dạy từ lớp 3. Vì thế, khi trình độ ngoại ngữ của học sinh, giáo viên được nâng lên thì đòi hỏi chương trình dạy và học cũng cần phải được cải tiến cho phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!