Nhân viên giới thiệu sản phẩm thời trang có nguyên liệu tái chế tại một triển lãm tại TP Hồ Chí Minh.
Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, một lựa chọn tất yếu là chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Kinh tế xanh, tuần hoàn không chỉ là khẩu hiệu mà gần đây đang là phương châm của doanh nghiệp đa lĩnh vực từ sản xuất đến công nghệ và dịch vụ đều theo đuổi.
Chưa nhiều thông tin về kinh tế xanh
Chia sẻ tại một buổi nói chuyện về nhân lực kinh tế xanh và công nghệ, Nguyễn Trọng Tấn, CEO của Chotot.vn cho rằng kinh tế xanh ở mỗi doanh nghiệp sẽ có một biểu hiện khác nhau, nhưng mỗi giao dịch đều bắt đầu quan tâm đến môi trường.
Môi trường là một trong những yếu tố ngày càng được quan tâm trong các giao dịch. Nguồn: Focus Mekong Research.
Lấy một số liệu của Focus Mekong Research, anh Tấn nói, người tiêu dùng Việt Nam có hai mối lo lắng đó là lạm phát và ô nhiễm môi trường. Vào tháng 7/2021, mức độ quan tâm đến môi trường trong các hành vi giao dịch chỉ khoảng 30%, đến tháng 6/2023, mức độ này tăng lên 45%.
Tại chợ mua bán rao vặt do anh Tấn khởi xướng từ năm 2013, đến nay có hơn 1 triệu sản phẩm đồ cũ được giao dịch mỗi tháng. Một thống kê riêng của Startup này thực hiện cho thấy sẽ tiết kiệm được 82.000 tấn thép, 2.000 tấn nhựa, 35.000 tấn nhôm mỗi năm từ việc hạn chế sản xuất mới (theo thống kê của doanh nghiệp dựa trên World Bank Data, Greencar Report, Recycle).
Thế nhưng, người sáng lập trang web cũng cho rằng kinh tế xanh đang là khái niệm rất mới mà "cả doanh nghiệp và người lao động trong thị trường tương lai này chưa có nhiều thông tin và kiến thức".
Bà Vivien Lê, một người từng tham gia vào các start up công nghệ và hiện là CEO của Saladin nói rằng, rất muốn đưa những kiến thức thực tế về kinh tế xanh vào trong mỗi chiến dịch kinh doanh của doanh nghiệp của mình. Ngoài những hoạt động tự tập huấn trao đổi kiến thức kinh nghiệm với người lao động trong công ty hàng tháng, bà cho rằng "cần có thêm những chương trình học để hiểu đúng về kinh tế xanh, tư duy các bon và ứng dụng nó".
Một báo cáo của Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) từng cho thấy, có tới 60% thanh niên Việt Nam có thể thiếu các kỹ năng xanh cần thiết để phát triển trong công cuộc chuyển đổi xanh. Trong khi đó, dưới góc độ bền vững, quản trị nguồn nhân lực xanh là yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đã xác định chủ trương "phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế". Các chuyên gia đều chung nhận thức đào tạo nhân lực hiểu đúng, làm đúng với xu hướng kinh tế xanh sẽ là động lực hiện thực hóa mục tiêu này.
Chuẩn bị nhân sự xanh cho nền kinh tế tương lai
Tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, gần đây, một số chương trình hợp tác đào tạo quốc tế đã bắt đầu tính đến nguồn "nhân lực xanh" cho nền kinh tế tương lai. Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế (IMBA) mà Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp xây dựng cùng Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2024 có những nội dung hướng đến nhân sự quản lý cho xu hướng xanh.
Giáo sư Sử Đình Thành nói rằng "chương trình được kết hợp giữa tư duy toàn cầu với sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh địa phương ở Việt Nam". Từ đó, thúc đẩy trao đổi kiến thức toàn cầu, phát triển khả năng lãnh đạo và bồi dưỡng nhân tài nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả hai quốc gia Việt Nam và Singapore.
Chương trình đào tạo nhà quản lý hướng đến kinh tế số và kinh tế xanh Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh xây dựng cùng Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ số hóa và xanh hóa trong nền kinh tế dẫn đầu khu vực. Trong khi đó, Việt Nam đã nhận thức rằng tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế kỷ 21 phải được thúc đẩy thông qua khoa học, công nghệ, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo cũng là một trong 5 lĩnh vực trụ cột mà Việt Nam và Singapore thống nhất thúc đẩy đồng thời thiết lập tổ công tác thúc đẩy thực hiện hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế và kinh tế xanh nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.
Garden By The Bay - Khu vườn thực vật khổng lồ trong nhà - một biểu tượng của đô thị xanh tại Singapore. Ảnh: Đ.H
Trong việc thiết kế chương trình đào tạo nhà quản lý hướng đến phục vụ kinh tế công nghệ và kinh tế xanh của IMBA, các nhà giáo dục chú trọng đến công nghệ và đổi mới, cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc về các nguyên tắc kinh doanh đồng thời đảm bảo sự hiểu biết toàn diện về các công nghệ và đổi mới trong hiện tại và tương lai.
"Để làm phong phú thêm chương trình các giảng viên của NTU Singapore sẽ đóng góp kiến thức dựa trên bằng chứng và những hiểu biết mang tính toàn cầu nhằm đạt được sự cân bằng hài hòa giữa hành động theo đặc trưng địa phương và tư duy theo quy mô toàn cầu", Giáo sư Christina Soh, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Nanyang của Đại học NTU Singapore nói.
Ngoài những chương trình phối hợp đào tạo nhân sự xanh này, Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2023 vừa qua cũng khẳng định Thành phố cần tiếp tục đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực. Trong đó các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!