Hiện cả nước có hơn 2.500 làng nghề thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài đang diễn ra tại nhiều làng nghề do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan.
Hàng năm, các làng nghề mây tre đan tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song, 500.000 cây tre, nứa, giang.
Trước đây, chợ mây tre tại Phú Vinh sầm uất người mua kẻ bán, nay còn lác đác vài hộ thu mua và xử lý cây mây cho các cơ sở sản xuất, còn chủ yếu nhập từ Quảng Nam.
"Nếu có nhiều đơn hàng, nguyên liệu sẽ bị thiếu trầm trọng, biến động về giá, có lúc tăng 35 - 40%. Chúng tôi phải dùng loại nguyên liệu còn non quá hoặc già quá, không có sự lựa chọn cho các cơ sở sản xuất", nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ.
Vốn nổi tiếng với nghề đan cỏ tế hơn 4 thể kỷ nay, nhưng làng Phú Túc hiện cũng chỉ trông chờ vào nguồn nguyên liệu nhỏ lẻ thu mua trong dân.
"Ngày trước nhiều hàng thì mua được tầm 50 - 60 khối (cỏ), giờ chỉ còn 20 - 30 khối. Phú Xuyên giờ không trồng được, nguyên vật liệu giờ đi lấy trên rừng về, từ Thanh Hóa, Phú Thọ, Tuyên Quang", bà Nguyễn Thị Dinh, Phú Xuyên, Hà Nội, cho biết.
Hiện nay nguồn nguyên liệu phục vụ các làng nghề đan lát trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu của thị trường. Nguyên nhân là do chưa có vùng nguyên liệu được trồng một cách bài bản, có quy hoạch, có kỹ thuật. Nhiều cơ sở phải hoạt động cầm chừng vì không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội. (Ảnh: VGP)
"Phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho làng nghề để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời liên kết với các tỉnh để phát triển vùng nguyên liệu mạnh mẽ hơn", ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay.
"Bản chất của phát triển làng nghề là dùng nguyên liệu tại chỗ. Tuy nhiên khi tình hình đã phát triển như thế này, chúng ta phải nhập khẩu. Còn ở những vùng có nguyên liệu, trước hết cần phát triển nghề, không chỉ cung cấp nguyên liệu không thì rất lãng phí", TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận định.
Với mục tiêu đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ khoảng 6 tỷ USD, cần có đủ lượng nguyên liệu dao động từ 750 - 850 triệu USD. Không chỉ cần tập trung quy mô lớn, vùng nguyên liệu còn phải gắn với việc cấp chứng chỉ bền vững, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nước ngoài.
Thách thức phát triển vùng nguyên liệu làng nghề
Thực trạng hiện nay của các làng nghề Việt Nam là chỗ sản xuất một nơi, vùng nguyên liệu một nẻo. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các làng nghề sản xuất tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong khi đó vùng nguyên liệu lại chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc và các tỉnh miền Trung.
Những khu vực này không được liên kết với nhau, gây khó khăn cho sản xuất, quản lý chất lượng và tốn nhiều chi phí. Chi phí khai thác vận chuyển của Việt Nam chiếm gần 40% trong khi ở các nước khác chỉ 10 - 15%.
Các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Hiện 37/63 tỉnh có diện tích tre trên 10.000 ha, nhưng do địa phương cũng chưa chú trọng đến chăm sóc hoặc khai thác với cường độ quá mức, khiến cho cây phát triển không đồng đều. Diện tích rừng đạt được chứng chỉ rừng bền vững hiện cũng rất khiêm tốn.
Tạo nghề từ lợi thế địa phương
Rõ ràng, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cả chất và lượng là yêu cầu đặt ra hiện nay, nhưng đó là giải pháp cần thời gian để triển khai đồng bộ. Vì vậy, hiện nay một số địa phương đã chủ động sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại chỗ để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Như tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cây chuối đang mang lại sự cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây khi trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
4 năm trở lại đây, xã Khai Thái trở nên nhộn nhịp hơn khi bà con trong xã có thêm nghề mới - sản xuất sợi từ thân cây chuối. Từ vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm hecta sẵn có, người dân cùng nhau tận dụng thân chuối sau khi thu hoạch buồng, tách thành sợi chuối dẻo dai.
1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15 kg sợi chuối - sau khi phơi khô, tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giá trị kinh tế được nâng lên nhiều.
"Trước đây, cây chuối chỉ có ăn buồng, thân cây bỏ đi. Từ ngày thành lập hợp tác xã, tơ của cây chuối làm ra nhiều sản phẩm. Do đó, giá trị của cây chuối cả buồng, cả sợ tăng lên khoảng50% giá trị", ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Khai Thái, cho biết.
Hiện, sản phẩm từ sợi chuối của Khai Thái được xuất khẩu tới nhiều thị trường như Anh, Mỹ, châu Âu…, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động.
Nhu cầu thị trường sợi chuối trên thế giới đang ngày càng lớn, với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm từ 30 - 40%. Huyện Phú Xuyên đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng chuối trên địa bàn, phát triển sản phẩm sợi chuối của Khai Thái thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, khai thác hướng đi mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!