Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Trục trặc trong đánh giá học sinh bằng nhận xét là vì chưa quen”

VTV News-Thứ sáu, ngày 12/06/2015 20:06 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới.

Trong phiên chất vấn chiều 12/6 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, vấn đề đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 - chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm tại đợt kiểm tra học kỳ và kỳ thi cuối năm - đã được Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề cập với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Theo đó, Đại biểu Nguyễn Văn Minh đặt ra câu hỏi: “Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh mặt tích cực còn có ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, nhất là việc khen thưởng cuối năm ở các trường. Tình trạng một số giáo viên đánh giá khắt khe, học sinh chỉ được giấy khen xuất sắc nếu có giải thưởng ở cấp Thành phố, Quận, Huyện, nhà trường. Nhưng cũng có trường rất dễ, em nào cũng khen, kể cả viết chữ đẹp. Đặc biệt, trong năm nay, các đơn vị hành chính sự nghiệp của cha mẹ học sinh có con học tiểu học không biết khen thưởng các cháu như thế nào vì không có xếp lực học sinh loại Khá, Giỏi ra sao. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định về vấn đề này?”.

Giải đáp thắc mắc nói trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định rằng quá trình này là phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển và nhằm cân chỉnh động lực học tập của học sinh tiểu học.

“Việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm sang việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm tại đợt kiểm tra học kỳ và kỳ thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển. Quá trình này nhằm thay đổi động lực học của các cháu, từ chỗ học vì điểm số sang học để hoàn thiện kỹ năng và hình thành phẩm chất của con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này đã được chúng tôi nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế với sự hỗ trợ của World Bank và nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế. Quá trình này cũng được thực nghiệm trong 3 năm tại hơn 1.000 trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đồng loạt bắt đầu từ năm học vừa qua cũng có xuất hiện một số trục trặc nhỏ. Ví dụ: vấn đề khen thưởng, có chỗ khen thưởng khắt khe quá, có chỗ lại khen rộng rãi quá và cũng có ý kiến gia đình không biết kết quả học tập thực của các cháu.

Đó là những trục trặc bước đầu vì làm chưa quen. Chúng tôi sẽ có những chấn chỉnh. Quá trình triển khai qua kết quả thăm dò các phương tiện truyền thông cũng như kết quả chúng tôi nắm được, tỷ lệ học thêm, dạy thêm đã giảm, giúp cân chỉnh lại động lực học tập của học sinh, tránh cảm giác tự ti với các cháu học sinh học lực yếu dẫn đến chán học, bỏ học…”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước